Sự hỗn loạn trên tàu
Khi vụ cháy tàu USS Bonhomme Richard xảy ra, lực lượng nhỏ làm nhiệm vụ trên tàu đã nỗ lực tập hợp các đội cứu hỏa và điều tra vị trí của đám cháy.
Báo cáo điều tra vụ cháy tàu chiến Hải quân Mỹ do cựu chỉ huy Hạm đội 3 Hải quân Mỹ, Phó đô đốc Scott Conn dẫn đầu phát hiện, các đội cứu hỏa của tàu được trang bị một cách lộn xộn, một số có thiết bị thở khép kín và bộ đồ chữa cháy, một số khác thì có cái này và thiếu cái kia.
Một số đội cứu hỏa của các thủy thủ tàu USS Bonhomme Richard đã mạo hiểm tới khu vực Upper V và tìm thấy các điểm nóng nhưng không thấy lửa. Khi họ bắt đầu sử dụng thiết bị để dập đám cháy thì phát hiện các trạm cứu hỏa không có vòi hoặc các phụ kiện bị hỏng. Thêm vào đó, cũng không có chỉ đạo phối hợp từ trung tâm giám sát tàu DC Central.
Giám sát viên DC Central cho biết, ông và các nhân sự khác không biết mức độ tồi tệ của đám cháy cho đến khi các sự kiện sau đó buộc họ phải sơ tán khỏi DC Central, các nhà điều tra lưu ý.
Tệ hơn nữa, các hệ thống chất tạo bọt tạo màng nước AFFF để chữa cháy trên tàu cũng không được đưa vào hoạt động “một phần do bảo trì không được thực hiện đúng cách để đảm bảo hệ thống này luôn sẵn sàng và một phần là do thủy thủ đoàn cũng chưa quen và chưa sẵn sàng" cho việc sử dụng. Cùng với đó, nhiều cửa sập và cửa ra vào của tàu - tuyến phòng thủ quan trọng đầu tiên để cô lập đám cháy, làm chậm sự lan rộng - cũng không thể đóng được.
Lúc 9 giờ sáng, 2 đội cứu hỏa - bao gồm một đội từ tàu khu trục USS Russell sang tăng cường - được yêu cầu sơ tán khỏi nhà chứa máy bay tàu USS Bonhomme Richard vì khói và họ cũng quan sát thấy nhiều thủy thủ của tàu USS Bonhomme Richard được sơ tán.
Đến 9h15, do tình trạng khói càng xấu đi khiến chỉ huy trực tàu phải lệnh sơ tán tất cả các nhân sự không có thiết bị thở. Tuy nhiên, cuộc điều tra cho thấy "có nhiều báo cáo khác nhau về việc liệu lệnh sơ tán này có được thông báo qua hệ thống 1MC hay không.
Trong quá trình sơ tán, các thủy thủ đã tìm được một thủy thủ bị ngất trong 15 phút vì ngạt khói ở trong một lối đi trên tàu và không đeo bất kỳ thiết bị thở khẩn cấp nào.
Các nhà điều tra cũng phát hiện ra rằng không ai trong số thủy thủ sơ tán khỏi tàu USS Bonhomme Richard sử dụng thiết bị thở khẩn cấp EEBD - chai khí nén bằng kim loại. Một số thủy thủ cho các nhà điều tra biết rằng họ không thể tìm thấy EEBD hoặc không tìm vì lo ngại có thể mắc kẹt trong đám cháy.
Bỏ lỡ cơ hội dập lửa quyết định
Chỉ huy tàu USS Bonhomme Richard, Đại úy Gregory Thoroman, lái xe từ nhà đến vị trí tàu đậu lúc 9h05. Ông gặp chỉ huy các lực lượng phòng cháy liên bang và lực lượng phòng cháy San Diego đang lập trạm chỉ huy tại cầu tàu số 2.
Phản ứng cứu hỏa đã rất đáng kể kể từ khi chuông báo cháy phát đi kêu gọi sự hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, 1 giờ sau đám cháy, không có nước hoặc chất hãm bắt cháy nào được đưa vào ngọn lửa dù các đội cứu hỏa liên bang đã đặt đường ống dẫn hướng về khu vực Lower V của tàu USS Bonhomme Richard. Ngọn lửa lan rộng không ngừng trong gần 2 giờ trước khi những lính cứu hỏa đầu tiên - đội từ sở cứu hỏa San Diego - đổ nước vào. Dù không quen với cách bố trí của con tàu, lực lượng này cũng đã đã đến được một khu vực của đám cháy và nỗ lực dập lửa trong ít nhất 30 phút trước khi tình hình xấu thêm.
Khi làn khói cuồn cuộn đen kịt dày đặc hơn, một quan chức phòng cháy chữa cháy của thành phố thông báo: "Khoang này sắp phát nổ". Đến 10h37, chỉ huy tại hiện trường lệnh cho tất cả các đội chữa cháy rời khỏi tàu. Lúc 10h50 sáng, "khoảng 90 giây sau khi những người lính cứu hỏa cuối cùng rời khỏi con tàu, một vụ nổ lớn đã xảy ra trên tàu. Vụ nổ khiến những người có mặt trên cầu tàu bị đốn ngã và thổi bay các mảnh vỡ tới tàu khu trục Fitzgerald gần đó, trong khi cột khói lớn bốc cao lên bầu trời có thể quan sát được từ phía bên kia vịnh San Diego.
Báo cáo điều tra của Hải quân Mỹ nhấn mạnh, phản ứng chữa cháy bị trì hoãn trong những giờ phút quan trọng ban đầu bất chấp những hoạt động tìm kiếm ban đầu của thủy thủ đoàn tàu USS Bonhomme Richard và nỗ lực dập lửa của đội cứu hỏa thành phố, càng khiến đám cháy lan rộng đến 11 trong số 14 tầng của con tàu.
Cuộc điều tra cho thấy nỗ lực chữa cháy tàu USS Bonhomme Richard cũng gặp cản trở từ chính sự phối hợp giữa các đơn vị. Ngay ngày đầu tiên, đội cứu hỏa của tàu Bonhomme Richard đã không hòa nhập với lực lượng chữa cháy của liên bang.
Các tàu chiến xung quanh cũng cử đội thủy thủ đến giúp chữa cháy nhưng nỗ lực này “không có tổ chức” ban đầu cho đến khi một trạm giám sát phối hợp được thành lập. Từ khoảng 8h30, thủy thủ đoàn tàu khu trục USS Russell (DDG-59) và USS Fitzgerald (DDG-62) neo ở cầu tàu số 1 đã tập hợp đội cứu hộ, với 11 người từ Russell và 8 người từ Fitzgerald đến Bonhomme Richard. Tuy nhiên, cả 2 đội này đều không được chỉ đạo tham gia nỗ lực dập lửa.
Trong 5 ngày chữa cháy tàu USS Bonhomme Richard, thủy thủ đoàn và lực lượng chữa cháy liên bang làm việc từ 2 trạm chỉ huy riêng biệt trên cầu tàu số 2 mà không có sự chỉ dẫn rõ ràng trong công tác chữa cháy.
Đón đọc phần 3: Ly kỳ vụ cháy chiến hạm 2 tỉ USD của Mỹ: Nguyên nhân chính để mất tàu