Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn). Hàng năm, chúng lây nhiễm cho gần 400 triệu người, chủ yếu ở các vùng nhiệt đới của các nước đang phát triển. Riêng ở Indonesia có hơn 7 triệu trường hợp mỗi năm.
Căn bệnh này gây sốt cao, đau đầu dữ dội và đau khớp. Nó có thể gây ra các biến chứng gây tử vong và là nguyên nhân khiến 25.000 người thiệt mạng mỗi năm.
WHO báo cáo các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết đã tăng gấp 30 lần trong 50 năm qua do con người xâm phạm môi trường sống của muỗi và góp phần gây ra biến đổi khí hậu.
Daily Mail đưa tin, các nhà khoa học từ Chương trình Muỗi Thế giới đã thả hàng triệu con muỗi được tiêm vi khuẩn Wolbachia vào 12 khu vực ngẫu nhiên ở Yogyakarta - một thành phố có hơn 300.000 người ở Indonesia.
Nhóm nghiên cứu phát hiện tỉ lệ nhiễm virus sốt xuất huyết ở các khu vực lân cận đã được thả muỗi nhiễm vi khuẩn thấp hơn 77% so với các khu vực khác.
Một thử nghiệm năm 2018 với muỗi nhiễm Wolbachia ở Australia cũng cho thấy tỉ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết giảm mạnh.
Scott O'Neill - một nhà vi sinh vật học và là Giám đốc của Chương trình Muỗi Thế giới - cho biết: "Chúng tôi có bằng chứng cho thấy phương pháp Wolbachia là an toàn, bền vững và giảm tỉ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết".
Thử nghiệm ở Indonesia đã kết thúc sớm vài tháng vì đại dịch COVID-19, nhưng Giám đốc O'Neill nói rằng kết quả đủ để chứng minh chiến lược này nên bắt đầu được triển khai trên toàn thế giới đối với các quần thể đô thị lớn.