Theo Space, năm 2016, NASA đã tổ chức cuộc thi để tìm ra các nhóm có thể tạo ra các mô nội tạng người dày và có mạch máu trong môi trường ống nghiệm.
Đội giành được vị trí đầu tiên là đội Winston, nhận được 300.000 USD và cơ hội để tiếp tục công việc này trên Trạm Vũ trụ Quốc tế. Đội về nhì là đội WFIRM, nhận được 100.000 USD.
Hai đội đều bao gồm các nhà khoa học từ Viện Y học Tái sinh Wake Forest (WFIRM) ở Bắc Carolina, với hai cách tiếp cận khác nhau để tạo mô gan người trong phòng thí nghiệm.
Các đội chiến thắng đều sử dụng công nghệ in 3D để tạo mô. Theo quy định trong thử thách, các đội phải giữ cho mô "sống" trong 30 ngày thử nghiệm.
Để thiết kế mô và để nó "tồn tại", các nhóm phải tìm ra cách truyền chất dinh dưỡng và ôxy thông qua quá trình tạo ra chúng và cách loại bỏ chất thải. Quá trình này được gọi là tưới máu, được thực hiện bởi các mạch máu trong các mô sống, nhưng đây là một điều cực kỳ khó khăn để tái tạo nhân tạo.
Sử dụng các vật liệu khác nhau và các thiết kế in 3D khác nhau, hai nhóm đã tạo ra các khuôn dạng gel cho các mô của họ, bao gồm các kênh mà ôxy và chất dinh dưỡng có thể chạy qua. Các đội đã có thể đưa chất dinh dưỡng chảy qua các mạch máu nhân tạo mà không bị rò rỉ, giúp cho các mô sống trong 30 ngày.
Trong những năm tới, NASA đã lên kế hoạch cho các sứ mệnh lên sao Hỏa và các tiểu hành tinh gần Trái đất. Nhưng các nguy cơ sức khỏe tiềm ẩn đối với các phi hành gia do tiếp xúc với các điều kiện khắc nghiệt trong không gian sâu vẫn chưa được xác định rõ. Những nghiên cứu này được hy vọng sẽ giúp chúng ta tìm ra cách ngăn chặn hoặc giảm bớt các tác động tiêu cực đó.
Mô in 3D không chỉ có thể điều trị cho các phi hành gia mà còn có thể được sử dụng cho những bệnh nhân trên Trái đất đang chờ ghép nội tạng.