Tổng thống Syria Bashar al-Assad bị cáo buộc bí mật giữ một phần kho vũ khí hóa học của Syria dù theo thỏa thuận giữa Mỹ-Nga có nội dung Damascus đã bàn giao toàn bộ vũ khí hóa học để tiêu hủy năm 2014, Reuters dẫn nguồn tin từ các quan chức cao cấp Mỹ hôm 1.2.
Các lực lượng của Tổng thống Assad tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học với số lượng nhỏ hơn kể từ cuộc tấn công đẫm máu hồi tháng 4.2017, các quan chức cho biết.
Một quan chức giấu tên chia sẻ với Reuters, đặc tính của một số cuộc tấn công gần đây cho thấy, Syria có thể đang phát triển các loại vũ khí mới và các phương pháp phát tán chất hóa học độc hại gây khó truy tìm nguồn gốc.
Cuộc tấn công chết người bằng sarin vào khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở Syria hồi tháng 4.2017 dẫn tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tấn công căn cứ không quân Shayrat.
"Chúng tôi bảo vệ quyền sử dụng vũ lực để phòng ngừa hoặc ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hóa học", một quan chức cho biết nhưng từ chối nêu rõ cuộc tấn công hóa học nghiêm trọng đến mức nào Mỹ sẽ tiến hành hành động quân sự.
Một quan chức Mỹ khác cho hay, chính quyền Tổng thống Donald Trump hy vọng các biện pháp trừng phạt quốc tế và sức ép ngoại giao sẽ giúp kiềm chế chương trình vũ khí hoá học của chính phủ Syria.
"Nếu cộng đồng quốc tế không hành động nhanh chóng để siết chặt lực lượng của ông Assad, vũ khí hóa học của Syria có thể lan rộng ra ngoài biên giới nước này và thậm chí có thể "đến bờ biển nước Mỹ", Reuters dẫn lời quan chức này.
Các quan chức phương Tây nghi ngờ chính phủ Syria về vụ tấn công bằng khí chlorine vào khu vực do quân nổi dậy kiểm soát ở phía đông Damascus vào tuần trước làm ít nhất 13 người thiệt mạng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Heather Nauert hôm 1.2 tuyên bố, Mỹ "rất quan tâm" các báo cáo rằng các lực lượng Syria tiến hành cuộc tấn công khác bằng chlorine trong tuần này tại khu vực phía đông Ghouta.
Ngoài ra, Mỹ cũng nói rằng, các tay súng IS từng sử dụng vũ khí hóa học như là lưu huỳnh mù tạt và chlorine, một số được phát tán thông qua các thiết bị nổ tự chế.