Bộ trưởng Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực của Nga Aleksey Chekunkov cho biết Nga và Ấn Độ đang thảo luận về khả năng khai trương tuyến vận chuyển container xuyên Bắc Cực và các cơ sở hạ tầng dọc theo Tuyến đường Biển Bắc (NSR).
Theo RT, thông báo của Bộ trưởng Chekunkov được đưa ra trong chuyến thăm làm việc tới Ấn Độ hôm 28.3. Ông Aleksey Chekunkov đã gặp Bộ trưởng Cảng, Vận tải biển và Đường thủy Ấn Độ Sarbananda Sonowal.
“Các bộ trưởng đã thảo luận về một tuyến đường thay thế để vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ đến châu Âu - không phải bằng tuyến đường phía nam hay phía tây, mà bằng tuyến đường phía đông và NSR, sử dụng cả cơ sở cảng của Nga và Ấn Độ... Chi phí vận chuyển một container từ Vladivostok đến Ấn Độ thấp hơn 30% so với từ Mátxcơva” - Bộ Phát triển Viễn Đông và Bắc Cực của Nga thông báo.
Tuyên bố cũng chỉ ra việc mở rộng hạm đội là một lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn.
Ấn Độ được cho là đã bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng một thành phố vệ tinh gần Vladivostok ở vùng Viễn Đông của Nga, bao gồm cảng, đường sá và cơ sở hạ tầng năng lượng.
Bộ trưởng Chekunkov tiết lộ, vòng đàm phán tiếp theo sẽ được tổ chức tại Mátxcơva vào tháng Tư.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trước đó tuyên bố, New Delhi đang có kế hoạch hỗ trợ phát triển NSR và biến nó thành một tuyến đường thương mại toàn cầu.
Tuyến đường Biển Bắc - chạy qua toàn bộ chiều dài vùng Bắc Cực và Viễn Đông của Nga - được kỳ vọng sẽ trở thành con đường thương mại chính cho hàng hóa vận chuyển giữa châu Âu và châu Á.
Theo Tổng thống Vladimir Putin, tuyến đường này là “chìa khóa cho sự phát triển của các vùng Viễn Đông thuộc Bắc Cực của Nga” và mục tiêu là biến nó thành một “động mạch giao thông toàn cầu, cạnh tranh thực sự”.
Tuyến Bắc Cực, nối Đông Nam Á với Châu Âu, có thể giảm đáng kể thời gian vận chuyển so với các tuyến truyền thống qua kênh đào Suez hoặc Panama. Vào thời Xô Viết, nó được sử dụng chủ yếu để cung cấp hàng hóa cho các khu định cư biệt lập ở Bắc Cực.
Tuyến này hiện không được sử dụng vào mùa đông do lớp băng tuyết dày. Tuy nhiên, do sự ấm lên của Bắc Cực, Nga có kế hoạch bắt đầu vận chuyển quanh năm vào cuối năm nay.
Theo các biện pháp trừng phạt của EU, tàu chở dầu thô Nga không được các công ty bảo hiểm của phương Tây cung cấp dịch vụ bảo hiểm trừ phi số dầu đó được bán dưới trần giá mà nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) đưa ra là 60 USD/thùng. Chính sách này gây khó khăn cho các tàu chở dầu qua tuyến đường biển thông thường, khiến hàng loạt tàu chở dầu bị kẹt ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối năm 2022.