Phát biểu trong cuộc họp với Hội đồng Xã hội Dân sự và Nhân quyền hôm 7.12, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết chiến dịch quân sự ở Ukraina có thể tiếp tục trong một thời gian.
Trả lời câu hỏi về thời hạn của chiến dịch, Tổng thống Putin nói sẽ mất thêm thời gian để đạt được tất cả các mục tiêu, nhưng Nga đã đạt một số thắng lợi lớn.
“Tất nhiên, đây có thể là một quá trình lâu dài” - RT dẫn lời Tổng thống Putin nói. Ông nhấn mạnh, cuộc xung đột thực sự bắt đầu vào năm 2014, khi Mỹ hậu thuẫn cuộc đảo chính dân tộc chủ nghĩa ở Kiev.
Theo ông Putin, Mátxcơva không có nhiều lựa chọn ngoài việc can thiệp vào tháng 2 để bảo vệ các nước cộng hòa Donbass là Donetsk và Lugansk - những khu vực sau đó đã bỏ phiếu gia nhập Nga, cùng với phần lớn các vùng ở tỉnh Kherson và Zaporizhzhia.
“Những vùng lãnh thổ mới này đem lại lợi ích lớn cho Nga. Ngay cả Peter Đại đế cũng tìm cách tiếp cận biển Azov, và nó hiện là vùng biển nội địa của Liên bang Nga” - Tổng thống Putin nói.
“Điều quan trọng nhất là những người sống ở đó đã thể hiện ý nguyện muốn gia nhập Nga trong cuộc trưng cầu dân ý. Và bây giờ họ đang ở với chúng tôi, hàng triệu người trong số họ, đó là kết quả tuyệt vời nhất” - nhà lãnh đạo Điện Kremlin nói.
Ông Putin cũng khẳng định, không có chuyện Nga huy động thêm quân, vì hơn 300.000 quân nhân dự bị được gọi để bổ sung nhập ngũ là khá đủ.
Tổng thống Nga lưu ý, các nước Tây Âu phản đối chiến dịch quân sự đã “im lặng” khi ông nhắc rằng các quốc gia này có nhiệm vụ đảm bảo tiến trình hòa bình ở Ukraina kể từ năm 2014.
Các nhà lãnh đạo EU đã đàm phán để chấm dứt tình trạng hỗn loạn Maidan ở Ukraina một cách hòa bình ngay trước khi những người theo chủ nghĩa dân tộc được phương Tây hậu thuẫn lên nắm quyền vào tháng 2 năm 2014.
Pháp và Đức sau đó đã đàm phán về một lệnh ngừng bắn giữa Kiev và các nước cộng hòa Donbass ở Minsk, nhưng không làm gì để duy trì hoặc thúc đẩy thoả thuận này. Đầu năm nay, cựu Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko công khai thừa nhận, lệnh ngừng bắn là một chiến thuật câu giờ để Kiev có thể xây dựng quân đội cho một giải pháp quân sự.
Cũng trong cuộc họp ngày 7.12, Tổng thống Putin tái khẳng định Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ông Putin được một thành viên của Hội đồng Nhân quyền yêu cầu tuyên bố dứt khoát rằng Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi trả đũa. Nhà lãnh đạo Điện Kremlin đáp: "Mối đe dọa chiến tranh hạt nhân đang gia tăng - không cần phải che giấu. Nếu Nga không sử dụng vũ khí hạt nhân trước trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thì cũng sẽ không sử dụng chúng sau đó".
Theo học thuyết hạt nhân của Nga, nước này có quyền triển khai vũ khí hạt nhân để trả đũa các thế lực thù địch đe dọa chủ quyền của mình. Tuy nhiên ông Putin khẳng định, kho vũ khí hạt nhân của Nga vẫn là một nguồn lực phòng thủ thuần túy, bác bỏ những cáo buộc Nga đang trở nên liều lĩnh về mặt quân sự.
"Chúng tôi không phát điên, chúng tôi biết vũ khí hạt nhân là gì. Chúng tôi có những loại vũ khí hạt nhân tiên tiến và hiện đại hơn bất kỳ quốc gia hạt nhân nào khác, đó là sự thật hiển nhiên. Nhưng chúng tôi sẽ không vung thứ vũ khí này để đe doạ thế giới" - ông Putin nhấn mạnh.