Mức giảm sản lượng lớn nhất từ đầu đại dịch
Trong cuộc họp ngày 5.10 tại Vienna (Áo), OPEC+ đồng ý cắt giảm sản lượng trên giấy tờ 2 triệu thùng dầu/ngày, mức giảm sản lượng lớn nhất kể từ đầu đại dịch COVID-19 năm 2020.
Giá dầu WTI ngày 6.10 ở ngưỡng 86,57USD/thùng, giá dầu Brent 88,75 USD/thùng - mức cao nhất trong gần 3 tuần qua.
Lý do cho việc cắt giảm, bất chấp sự phản đối từ Nhà Trắng, không phải là nguyên nhân chính trị, mà là bóng ma của một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang rình rập sẽ cắt giảm sâu nhu cầu dầu toàn cầu.
Tuần trước, Goldman Sachs đã giảm dự báo giá dầu năm 2023 từ mức dự đoán trước đó là 125USD/thùng xuống còn 108USD, khi nhu cầu dầu toàn cầu vốn đã yếu lại càng trầm trọng hơn do các ngân hàng trung ương thắt chặt lãi suất trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, đối với Mỹ - nước đã kêu gọi Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác trong năm nay đảm bảo nguồn cung dầu dồi dào - quyết định này là một đòn giáng mạnh.
Hai trong số các đối tác Trung Đông quan trọng nhất của Washington là Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đã đứng về phía các cường quốc dầu mỏ lớn khác, bao gồm cả Nga, trong quyết định cắt giảm sản lượng dầu.
Quyết định của OPEC+ đã làm dấy lên sự thất vọng ở Mỹ.
Nhà Trắng đưa ra một tuyên bố chung của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Brian Deese, nói rằng Tổng thống Joe Biden “thất vọng vì quyết định thiển cận” cắt giảm sản lượng và ông Biden sẽ “tham khảo ý kiến Quốc hội và các nhà chức trách về những công cụ bổ sung để giảm bớt sự kiểm soát của OPEC+ đối với giá dầu”.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói, “với quyết định giảm sản lượng, rõ ràng OPEC+ đang đứng về phía Nga”.
Lý giải của OPEC+
Trong khi chính quyền Tổng thống Biden được hưởng lợi cả về mặt chính trị và kinh tế từ việc giá xăng dầu giảm sau mức cao nhất vào đầu mùa hè, các nhà sản xuất OPEC+ lo ngại về hai điều: Nhu cầu sụt giảm cùng giá dầu lao dốc và kế hoạch áp giá trần với dầu xuất khẩu của Nga.
Theo OPEC+, quyết định giảm mạnh sản lượng được đưa ra "trong bối cảnh không chắc chắn về triển vọng kinh tế và thị trường dầu mỏ toàn cầu, sự cần thiết phải tăng cường hướng dẫn dài hạn cho thị trường dầu mỏ, phù hợp với cách tiếp cận thành công là chủ động và đi trước, vốn đã được OPEC+ áp dụng một cách nhất quán”.
Quyết định của OPEC+ được đưa ra khi EU đang chuẩn bị công bố một gói trừng phạt mới đối với Nga. Liên minh Châu Âu đã thống nhất áp đặt giá trần với dầu của Nga thông qua các hạn chế vận chuyển. Mỹ và các đồng minh G7 ủng hộ quyết định này.
Tổng thư ký OPEC Haitham al-Ghais của Kuwait cho biết, OPEC+ vẫn “mở rộng cửa” với EU để thảo luận về các vấn đề năng lượng và “đang đợi ai đó gõ cửa”.
“Chúng tôi không gây nguy hiểm cho thị trường năng lượng. Chúng tôi đang cung cấp sự an toàn, ổn định cho thị trường năng lượng. Tất cả mọi thứ đều có giá của nó. An ninh năng lượng cũng có giá” - ông al-Ghais nói thêm.
Samantha Gross, chuyên gia an ninh năng lượng tại Viện Brookings cho biết: “Chính quyền Tổng thống Biden và các nhà sản xuất OPEC+ có quan điểm khác nhau về điều kiện thị trường hoặc họ lo ngại về những điều khác nhau. Họ sẽ luôn làm những gì tốt nhất cho họ. Chúng ta không thể mong đợi họ đi ngược lại lợi ích của họ để phục vụ chúng ta".
Trong số các quan chức hàng đầu tham dự cuộc họp của OPEC+ tại Vienna có Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak.
Ông Novak đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Nga duy trì quan hệ ngoại giao với các nhà sản xuất dầu lớn khác, ngay cả khi Mỹ và các đồng minh phương Tây đã vận động để cô lập Nga về mặt ngoại giao và kinh tế sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina. Quyết định của OPEC+ cũng giáng một đòn biểu tượng vào những nỗ lực của Mỹ nhằm tước đi hàng chục tỉ USD doanh thu từ dầu mỏ của Nga...