Phát hiện mới nhất của tàu thám hiểm sao Hỏa Perseverance cho thấy khu vực mà nó đã di chuyển kể từ khi hạ cánh từng được hình thành bởi dung nham núi lửa - một điều "hoàn toàn bất ngờ", theo các nhà khoa học của sứ mệnh. Trước đây, các nhà khoa học cho rằng những tảng đá xếp lớp mà Perseverance chụp ảnh là trầm tích.
Các loại đá mà Perseverance đã lấy mẫu cho đến nay cũng tiết lộ rằng chúng đã tương tác với nước nhiều lần, và một số trong số chúng bao gồm các phân tử hữu cơ.
Những khám phá này có thể giúp các nhà khoa học tạo lập dòng thời gian chính xác cho các sự kiện đã diễn ra ở miệng núi lửa Jezero, nơi từng có hồ cổ đại, và có ý nghĩa rộng lớn hơn trong việc tìm hiểu sao Hỏa.
Theo CNN, phát hiện được công bố hôm 15.12 trong cuộc họp Mùa thu của Liên minh Địa vật lý Mỹ tại New Orleans.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã đặt câu hỏi liệu đá trong miệng núi lửa này có phải là đá trầm tích - gồm các lớp vật chất được lắng đọng bởi một dòng sông cổ hay đá lửa, hình thành khi dung nham nguội đi hay không.
Ken Farley, nhà khoa học của sứ mệnh Perseverance tại Viện Công nghệ California ở Pasadena, California, cho biết: “Tôi bắt đầu tuyệt vọng và chúng tôi sẽ không bao giờ tìm ra câu trả lời.
Mọi thứ thay đổi khi Perseverance bắt đầu sử dụng một mũi khoan ở cuối cánh tay robot của nó để cạo bề mặt đá. Vào tháng 11, Perseverance nghiên cứu một loại đá, được nhóm đặt biệt danh là "Brac". Kết quả phân tích cho thấy các tinh thể olivin lớn được bao quanh bởi các tinh thể pyroxene, cả hai đều chỉ ra thực tế rằng loại đá này là đến từ dung nham núi lửa.
Farley nói: “Một sinh viên địa chất giỏi sẽ cho bạn biết rằng kết cấu như vậy cho thấy đá được hình thành khi các tinh thể lớn lên và lắng xuống trong dung dịch magma nguội dần - ví dụ như dòng dung nham dày, hồ dung nham hoặc khoang chứa magma”.
Sau đó, tảng đá bị nước làm biến đổi nhiều lần, khiến nó trở thành một kho báu cho phép các nhà khoa học trong tương lai xác định niên đại các sự kiện ở Jezero, hiểu rõ hơn về thời kỳ có nước trên sao Hỏa và tiết lộ lịch sử ban đầu của hành tinh.
Giờ đây, nhóm nghiên cứu muốn biết liệu những mẫu đá chứa olivin được hình thành bởi một hồ dung nham nguội đi hay chúng có nguồn gốc từ một khoang dung nham dưới bề mặt mà sau này lộ ra do xói mòn.
Farley nói: “Điều này hoàn toàn bất ngờ và chúng tôi đang nỗ lực tìm hiểu. Nhưng tôi sẽ suy đoán rằng đây không phải là tầng nguyên bản của miệng núi lửa. Từ đường kính của miệng núi lửa này, chúng tôi cho rằng tầng của miệng núi lửa ban đầu sâu hơn đáng kể so với vị trí hiện tại".
Ông nói, có thể dung nham đã chảy xuống miệng núi lửa, nhưng tầng nguyên bản của miệng núi lửa nằm bên dưới lớp đá mà tàu thám hiểm đang đi qua.
Cho đến nay, Perseverance đã thu thập được bốn mẫu đá với kế hoạch thu thập thêm tới 37 mẫu nữa. Những mẫu vật này sẽ được trả về Trái đất bởi các sứ mệnh trong tương lai, điều này sẽ giúp chúng có thể được nghiên cứu rất chi tiết và theo nhiều cách khác nhau.
Khi trở lại Trái đất, đá núi lửa có thể được xác định niên đại với độ chính xác rất cao, vì vậy những mẫu mới nhất này có thể giúp nhóm thiết lập ngày chính xác hơn cho các đặc điểm và sự kiện trên sao Hỏa.
Những tảng đá này tương tác với nước theo thời gian để tạo ra các khoáng chất mới. Các khoáng chất trong các mẫu có thể tiết lộ đặc điểm khí hậu và môi trường và thậm chí cả thành phần của nước trên hành tinh đỏ hàng tỉ năm trước.
"Điều đó sẽ cho chúng ta biết liệu nước tồn tại ở đó có khả năng sinh sống được trong quá khứ hay không" - Kelsey Moore, nhà địa chất học và nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về khoa học hành tinh tại Viện Công nghệ California, cho biết.
Các mẫu từ miệng núi lửa Jezero và vùng châu thổ sông của nó có thể tiết lộ liệu có từng tồn tại sự sống trên sao Hỏa hay không.