Ba chủ đề ưu tiên
Theo ông Đỗ Hùng Việt - Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, trong lần thứ hai Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ, chương trình hoạt động trong tháng 4 của Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tương đối bận rộn với gần 30 cuộc họp cấp đại sứ, xử lý 12 vấn đề trong chương trình nghị sự ở tất cả các khu vực từ Châu Phi, Trung Đông đến Châu Âu, Châu Mỹ cũng như các vấn đề, chủ đề khác.
Trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam dự kiến thúc đẩy 3 chủ đề trong tháng chủ tịch là: Tăng cường hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột; Khắc phục hậu quả bom mìn, duy trì hòa bình bền vững, tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn; Bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang.
Việt Nam dự kiến sẽ tổ chức phiên thảo luận cấp cao trực tuyến với chủ đề “Vai trò của các tổ chức khu vực trong thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa xung đột”. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo cấp cao của Việt Nam chủ trì một sự kiện trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an LHQ, nhằm tiếp tục thúc đẩy vai trò của các tổ chức khu vực cũng như hợp tác giữa Liên Hợp Quốc với các tổ chức khu vực, trong đó có ASEAN, trong tiến trình duy trì hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế-xã hội nói chung và trong ngăn ngừa xung đột nói riêng. Sự kiện này cũng nhằm khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam trong giai đoạn phát tiển mới của đất nước.
Việt Nam dự kiến tổ chức phiên họp cấp bộ trưởng trực tuyến về chủ đề “Khắc phục hậu quả bom mìn và duy trì hòa bình bền vững: Tăng cường gắn kết để hành động hiệu quả hơn”. Việc Việt Nam tham gia tích cực và có sáng kiến cụ thể trong vấn đề này thể hiện vai trò, đóng góp trên một lĩnh vực ta và nhiều nước quan tâm/có lợi ích, tạo dấu ấn trong nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an LHQ 2020-2021, thể hiện tính nhân văn và đề cao khía cạnh nhân đạo trong việc giải quyết hậu quả bom mìn, nâng cao nhận thức chung, thu hút nhiều hơn sự chú ý của cộng đồng quốc tế đến công tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, qua đó tranh thủ hỗ trợ quốc tế cho Việt Nam cũng như các nước chịu ảnh hưởng.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ tháng 4.2021, Việt Nam dự kiến tổ chức phiên họp về chủ đề “Bảo vệ cơ sở thiết yếu đối với sự sống của người dân trong xung đột vũ trang” và sẽ thúc đẩy để Hội đồng Bảo an LHQ thông qua một văn kiện về vấn đề này tại cuộc họp. Việc Việt Nam thúc đẩy sáng kiến này thể hiện chính sách đối ngoại nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; khẳng định vị thế, phát huy vai trò tích cực của ta trong vấn đề bảo vệ thường dân - một trong những chủ đề lớn nhận được sự quan tâm, thúc đẩy của quốc tế trong thời gian gần đây tại Hội đồng Bảo an LHQ và các diễn đàn quốc tế. Đây cũng là cơ hội quý báu để ta chia sẻ kinh nghiệm trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và nỗ lực trong tái thiết hậu xung đột, khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần thu hút sự quan tâm, nguồn lực của cộng đồng quốc tế trong vấn đề này.
Việt Nam là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế
Thực hiện đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín trên trường quốc tế, Việt Nam đã và đang nỗ lực hết sức mình hoàn thành tốt nhất vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tiếp tục là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, luôn chủ động và ngày càng có nhiều đóng góp tích cực vào công việc chung của khu vực và quốc tế.
Phát huy truyền thống hòa hiếu, nhân văn và tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng của dân tộc, cũng như ước vọng của một đất nước luôn muốn hòa bình đổi mới, phát triển đất nước, Việt Nam cam kết tiếp tục nỗ lực thúc đẩy đối thoại, đóng góp vào những nỗ lực chung của Hội đồng Bảo an LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tìm kiếm giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, đáp ứng lợi ích chính đáng của các quốc gia và hướng tới nguyện vọng vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và tốt đẹp hơn.
Việc Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó có 2 lần đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, sẽ góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên Hợp Quốc và với các đối tác lớn đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, tạo đà cho việc hội nhập quốc tế mạnh mẽ và toàn diện hơn trong thời gian tới.