Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết, một máy dò khói và báo động đã được kích hoạt trên module Zvezda khi pin đang sạc qua đêm. Module trạm vũ trụ gặp sự cố do Nga phát triển, cung cấp khu vực sinh hoạt cho các phi hành gia trên trạm ISS.
Theo Roscosmos, tất cả hệ thống sau đó đều hoạt động bình thường và kế hoạch cho chuyến đi bộ ngoài không gian trong ngày 9.9 vẫn còn hiệu lực.
Hãng tin Nga RIA dẫn thông tin liên lạc bằng âm thanh do cơ quan vũ trụ Mỹ NASA phát đi về sự cố trên ISS nêu rõ, phi hành gia Nga Oleg Novitsky đã nhìn thấy và ngửi thấy mùi khói.
Phi hành gia người Pháp Thomas Pesquet cho biết, có mùi nhựa hoặc thiết bị điện tử bị cháy đã lan từ khu vực module của Nga sang khu vực module của Mỹ trên trạm vũ trụ.
Vài sự cố trạm vũ trụ ISS cũng đã xảy ra trong thời gian gần đây, Reuters lưu ý. Một trục trặc phần mềm và khả năng cả sự thiếu tập trung của con người khiến toàn bộ trạm vũ trụ ISS chệch khỏi vị trí bay thông thường cách Trái đất khoảng 400km vào tháng 7 vừa qua.
Theo BBC, một quan chức Nga gần đây đã cảnh báo về phần cứng lỗi thời và hệ thống hỏng hóc của trạm vũ trụ ISS. Những sự cố bao gồm rò rỉ khí, động cơ bị cháy và các vết nứt.
Quan chức Nga Vladimir Solovyov nói với truyền thông nhà nước vào ngày 1.9 rằng, ISS có thể gặp phải những hỏng hóc không thể sửa chữa do thiết bị và phần cứng lạc hậu. Kỹ sư trưởng của công ty vũ trụ Energia cho hay, ít nhất 80% các hệ thống trên trạm vũ trụ của Nga đã hết hạn sử dụng. Energia là nhà phát triển chính của các module ISS của Nga.
Ông cũng lưu ý, các vết nứt nhỏ đã được phát hiện trên khu vực hàng hóa Zarya của Nga và những sự cố này có thể càng tệ hơn theo thời gian.
Trạm Vũ trụ quốc tế ISS được xây dựng năm 1998 trong dự án hợp tác giữa Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản và một số quốc gia Châu Âu. Ban đầu, ISS được thiết kế với mục tiêu hoạt động trong 15 năm.
Năm ngoái, Roscosmos cho biết, cấu trúc cũ có thể khiến ISS không thể hoạt động sau năm 2030. Hồi tháng 4 năm nay, Nga cho biết có thể rời ISS và xây dựng trạm vũ trụ riêng vào năm 2030.
Hiện có bảy phi hành gia trên trạm vũ trụ ISS: 2 phi hành gia Nga, 3 từ Mỹ, 1 từ Pháp và 1 từ Nhật Bản.