Hôm nay, 27.3, là ngày truyền thống ngành Thể dục Thể thao Việt Nam. Nơi nơi trên cả nước lại tràn ngập hình ảnh, tư liệu cùng lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Dân cường thì nước thịnh” là tư tưởng của Bác Hồ, với ý nghĩa “sức khỏe nhân dân có ảnh hưởng to lớn tới tiến trình phát triển đất nước, ngược lại, nước mạnh đảm bảo sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân”.
Xã hội hiện đại chứng kiến hàng ngày rất đông đảo người dân tham gia tập thể dục. Từ sáng sớm hay những buổi chiều mát mẻ, ở công viên, sân chơi, khu phố, không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều tầng lớp nhân dân tham gia nhiều nội dung thể dục, đi bộ, chạy, đạp xe…
Tập thể dục dĩ nhiên là để khỏe, nhưng có phải tất cả những người bước ra đường, ra sân bóng mỗi ngày đã hiểu hết các vấn đề liên quan đến thể thao? Họ đã hiểu và chọn môn thể thao phù hợp với mình? Họ đã hiểu cách thức tập đúng để phát huy hiệu quả? Và họ đã hiểu về dinh dưỡng trong hoạt động thể thao?
Dường như, không ít người tập thể thao hiện nay chỉ vì nỗi sợ bệnh tật. Họ nghĩ rằng, tập luyện là bệnh tật sẽ tránh xa. Điều đó đúng, nhưng chỉ phần nào, bởi kèm theo đó là vấn đề dinh dưỡng. Tập để tiêu đi lượng calorie nạp vào người, nhưng một cốc trà sữa, một que kem trên đường về… vậy là buổi tập chẳng tác dụng gì.
Đôi khi chúng ta hiểu lầm về dinh dưỡng, khi cho rằng, vận động quyết định sức khỏe. Trên thực tế, dinh dưỡng quyết định đến 80% vấn đề sức khỏe của mỗi người, vận động chỉ chiếm 20%. Dinh dưỡng ở đây được hiểu là “dinh dưỡng cân bằng”.
Không chỉ người dân, các vận động viên thể thao đỉnh cao càng phải được quan tâm, chú ý hơn về vấn đề dinh dưỡng để cải thiện thể trạng, thể lực. Cứ nhìn các cầu thủ U23 Việt Nam hụt hơi trong hiệp 2 trận đấu với U23 UAE rạng sáng 26.3 vừa qua sẽ thấy sự khác biệt…
Tất nhiên, việc cải thiện thể hình, thể lực sẽ cần nhiều thời gian, nhưng về cơ bản, phải bắt đầu đã…