Bóng đá thế giới đang tạm ngừng và nhiều trường hợp cầu thủ mắc kẹt, không thể tập cùng đội và cũng không thể trở về nhà. Đại dịch COVID-19 mang đến nhiều hệ lụy, và một trong số đó là đời sống tâm lý, tinh thần của giới cầu thủ.
Việc sống ở một đất nước xa lạ, xa gia đình, làm việc trong môi trường cạnh tranh cao, áp lực lớn sẽ dễ gây nên các vấn đề về sức khỏe tâm thần cho cầu thủ.
“Chúng tôi, từ những nghiên cứu trong những năm qua đã thấy có những rủi ro cao đối với sự lo lắng và các vấn đề tâm lý khác của cầu thủ. Chúng tôi có nhiều người trẻ, xa gia đình và nhiều người trong số họ chỉ có hợp đồng lao động một năm. Điều đó gây nên sự đau khổ lớn rằng liệu họ sẽ có bất kỳ thu nhập nào cuối mùa hay không”, Tổng thư ký FIFPro Jonas Hoffmann cho biết với Reuters.
EURO 2020 và Copa America đã phải dời lịch sang năm 2021 vì dịch COVID-19. Hầu hết giải vô địch quốc gia trên thế giới đều phải dừng lại. Cầu thủ phải giảm lương để giảm bớt gánh nặng tài chính cho đội bóng chủ quản, điều này ít nhiều tạo nên áp lực cho họ.
Theo một cuộc khảo sát năm 2015, FIFPro chỉ ra có 38% cầu thủ luôn ở trạng thái tích cực. Và có đến 35% người thừa nhận bị trầm cảm hoặc lo lắng ở một giai đoạn nhất định.
Việc cầu thủ không thi đấu giai đoạn này, có nhiều thời gian trống có thể khiến họ phải suy nghĩ nhiều hơn. Để hạn chế những tác động tiêu cực, FIFPro đã khuyên cầu thủ luôn giữ tâm trí lạc quan, duy trì lối sống lành mạnh, kết nối qua các phương tiện truyền thông, nghe nhạc hoặc xem một chương trình truyền hình yêu thích…
“Tránh đọc mọi thứ về COVID-19 trên các phương tiện truyền thông xã hội vì điều đó có thể khuếch đại một cách không cần thiết sự căng thẳng hay lo lắng”, FIFPro đưa ra lời khuyên.
Một số Hiệp hội Cầu thủ tại các quốc gia đã thiết lập đường dây nóng, để giúp đỡ các thành viên của mình. FIFPro nhấn mạnh các cầu thủ nữ phải đối mặt với khó khăn nhiều hơn so với đồng nghiệp nam. Họ có thu nhập thấp, đang ở một mình, xa gia đình và ít tương tác với xã hội nên sẽ găp áp lực rất lớn trong giai đoạn này.