Dấu ấn quần vợt Trung Quốc tại US Open 2022
Nói đến quần vợt thế giới và các giải Grand Slam, người hâm mộ đương nhiên nói về những cái tên như Rafael Nadal, Roger Federer, Novak Djokovic, Serena Williams, Maria Sharapova, Naomi Osaka… Ở giải quần vợt Mỹ mở rộng năm nay cũng vậy, khi Nadal, Daniil Medvedev, Iga Swiatek, Emma Raducanu được chú ý rất nhiều.
Tuy nhiên, với những ai quan tâm nhiều hơn đến toàn cảnh, sẽ thấy một dấu ấn khá đặc biệt từ quần vợt Trung Quốc. Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử của một giải Grand Slam, có 4 tay vợt nữ đến từ Trung Quốc - Zheng Qinwen, Yuan Yue, Wang Xiyu và Zhang Shuai, lọt vào đến vòng 3.
Chưa hết, ở giải nam, quần vợt Trung Quốc cũng tạo nên lịch sử với Wu Yibing trở thành tay vợt nam đầu tiên vào đến vòng 3 US Open, giải đấu hình thành từ năm 1881. Không chỉ ở US Open, tay vợt 22 tuổi còn là nam vận động viên đầu tiên của Trung Quốc vào đến vòng 3 một giải Grand Slam kể từ khi Kho Sin-Khie - tay vợt sinh ra ở Indonesia nhưng thi đấu dưới màu cờ Trung Quốc, làm được tại Wimbledon năm 1946.
Khó có thể nói các tay vợt Trung Quốc gặp may, bởi trong khi Wu - đánh từ vòng loại, đã thắng Nikoloz Basilashvili (hạt giống số 31) ở vòng 1, thì Zheng thắng Jelena Ostapenko (hạt giống số 16), Zhang thắng Jil Teichmann (30), còn Wang thậm chí thắng cả hạt giống số 2, Maria Sakkari.
Dấu ấn của quần vợt Việt Nam
Ngay trước khi US Open 2022 khởi tranh, quần vợt Việt Nam cũng có một dấu ấn quan trọng. Tại giải Bangkok Open ở Thái Lan, Lý Hoàng Nam vào đến trận chung kết. Đây là giải đấu thuộc cấp hệ thống ATP Challenger Tour.
Tuy thua ở trận cuối cùng nhưng nhờ hành trình tại giải với việc loại một số tay vợt tên tuổi như Illya Marchenko - từng xếp hạng 49 thế giới, hay Alastair Gray - hạt giống số 1 của giải, Hoàng Nam có thêm 30 điểm để lọt vào Top 300 thế giới.
Hiện tại, Hoàng Nam tiếp tục thi đấu tại Bangkok Open 3 - giải Challenger 50 và vào vòng 2
Học được gì từ quần vợt Trung Quốc?
Truyền thông, người hâm mộ Việt Nam dĩ nhiên là rất vui và dành những lời chúc mừng cho cá nhân Hoàng Nam. Nhưng câu hỏi đặt ra là, liệu đó có phải là lời chúc dành cho quần vợt Việt Nam? Truyền thông vẫn vậy, vẫn tìm những chi tiết để nâng vị thế của các vận động viên Việt Nam - như việc ví vị trí thứ 282 hiện tại của Hoàng Nam cao hơn Stan Wawrinka - tay vợt người Thụy Sĩ từng 3 lần vô địch Grand Slam (Australian Open 2014, French Open 2015, US Open 2016), nhưng giờ đã 37 tuổi…
Trong khi đó, yếu tố cần cho sự phát triển của cá nhân các tay vợt nói riêng và quần vợt quốc gia nói chung thì không tạo ra được.
Quần vợt Trung Quốc từng rơi vào tình thế tương tự, dù cho trong thập kỷ trước họ từng có Li Na, tay vợt nữ nổi bật với 2 chức vô địch Grand Slam là Pháp mở rộng năm 2011 và Australia mở rộng năm 2014.
Không lâu sau khi ghi tên mình vào vòng 3 US Open, Wu biết rằng, tên của anh trở thành chủ đề nóng trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc như Weibo và WeChat. Vấn đề là, tài năng của Wu - cùng những người bạn Zhang Zhizhen, 25 tuổi, và ngôi sao đang lên 17 tuổi, Shang Juncheng, được đánh giá đúng và là một phần cốt lõi của quần vợt nam mới nổi của Trung Quốc với hy vọng không chỉ chơi tốt trong tour mà còn phát triển môn thể thao này ở quê nhà.
Với các tay vợt nữ, Zheng, 19 tuổi, đánh giá rằng, chính sự hiện diện của những người đồng hương đã tiếp sức cho những thành công của nhau. “Điều này thật tích cực. Nó có nghĩa là ở Trung Quốc, quần vợt bắt đầu đi lên”, cô nói, “Giữa chúng tôi có sự cạnh tranh thực sự tốt. Khi bạn có ai đó để cạnh tranh, bạn luôn có thể thể hiện tốt hơn”.
Tất nhiên, để so sánh là khập khiễng, nhưng ít nhất, vẫn có thể thấy rằng, quần vợt Việt Nam vẫn cần phải học hỏi rất nhiều, từ cá nhân các tay vợt cho đến Liên đoàn… Phải tạo ra được những cơn sóng từ thành công, chứ không nên để sóng đổ xuống rồi tan đi như bong bóng…