Chế độ dinh dưỡng theo quy định
Thông tư số 86/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 26.10.2020 quy định chi tiết chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với huấn luyện viên thể thao thành tích cao, vận động viên thể thao thành tích cao đã ghi cụ thể chế độ dinh dưỡng đối với vận động viên đội tuyển quốc gia và vận động viên đội tuyển trẻ quốc gia trong thời gian tập trung trong nước là 320.000 đồng/người/ngày tính theo số ngày tập huấn.
Huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia để chuẩn bị tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) và Đại hội Thể thao Olympic được hưởng chế độ dinh dưỡng 480.000 đồng/người/ngày trong thời gian không quá 90 ngày.
Ngoài ra, huấn luyện viên, vận động viên được triệu tập vào các đội tuyển thể thao quốc gia và có khả năng giành Huy chương Vàng tại Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) giành Huy chương Vàng tại Đại hội Thể thao Olympic trẻ, có khả năng đạt chuẩn tham dự Đại hội Thể thao Olympic và huấn luyện viên, vận động viên tham dự Paralympic Games được hưởng chế độ dinh dưỡng 640.000 đồng/người/ngày.
Năm nay, trong thời gian chuẩn bị cho SEA Games 32, các tuyển thủ của các đội tuyển thể thao quốc gia đã được hưởng chế độ dinh dưỡng 480.000 đồng/người/ngày.
Về thực tế, số tiền dinh dưỡng trên sẽ được phân bổ theo ba bữa ăn (sáng, trưa, tối) trong ngày. Mức 480.000 đồng/người/ngày trong thời gian tập trung cao độ là không nhỏ và tính tổng một mâm cơm (dành cho 6 hoặc 10 người) mà nhà bếp phục vụ cho tuyển thủ trọng điểm có chi phí cao, thực phẩm đa dạng.
Tuy nhiên, bài toán đã từng đặt ra đó là mỗi môn thể thao có những đặc thù riêng và sự hấp thụ dinh dưỡng dành cho tuyển thủ là khác nhau. Bởi các chuyên gia từng phân tích rất rõ rằng, vận động viên của môn thể thao trí tuệ như cờ vua, cờ tướng hay vận động viên môn bóng đá, vân động viên các nhóm võ thuật hoặc bóng chuyền là khác nhau về nhu cầu dinh dưỡng. Vì thế, món ăn ra sao, dinh dưỡng nào cần thiết tùy thuộc vào nhu cầu của từng đội tuyển và được báo trực tiếp đến từng bếp ăn.
Theo kinh phí dinh dưỡng được cấp, các đội tuyển thể thao quốc gia vẫn được quyền “đổi món” cho tuyển thủ và sẽ báo đến nhà bếp để phục vụ đổi vị, giúp tăng cường dinh dưỡng, khẩu vị cho tuyển thủ.
Vai trò của các Liên đoàn, Hiệp hội
Có một thực tế, các Liên đoàn, Hiệp hội của các môn thể thao mạnh về nguồn kinh phí cũng có ảnh hưởng quan trọng đối với các đội tuyển thể thao quốc gia của mình.
Từ đầu năm 2023 đến nay, đội tuyển bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ Việt Nam đã được thi đấu nhiều giải quốc tế. Đặc biệt, Đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam, ngoài các chế độ quy định của Nhà nước dành cho đội tuyển thì Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và Đội tuyển Bóng chuyền nữ Việt Nam kêu gọi thêm nguồn xã hội hóa và có những hỗ trợ để cầu thủ được lưu trú ở các khu khách sạn, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng.
Đội tuyển Bóng đá Việt Nam ở các cấp độ cũng được hưởng các chế độ tốt khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam rất chú trọng về công tác ăn, ở dành cho cầu thủ.
Tháng 2.2023, tay vợt Lý Hoàng Nam từng lên tiếng về câu chuyện bữa ăn dành cho mình và đội tuyển khi Đội tuyển Quần vợt Việt Nam thi đấu giải ở Bắc Ninh.
Hiệp hội Golf Việt Nam cũng là tổ chức xã hội có nhiều chế độ tốt cho các tuyển thủ khi đội tuyển golf Việt Nam thi đấu các giải quốc tế.
Thể thao Việt Nam có hơn 40 Liên đoàn, Hiệp hội thể thao của các môn. Tuy nhiên, không nhiều môn có Liên đoàn, Hiệp hội mạnh về nguồn lực nên tất cả vẫn phụ thuộc ở kinh phí hoạt động từ Nhà nước. Đấy là lý do, một trong những vấn đề mà Dự thảo Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 mà Cục Thể dục Thể thao xây dựng để tham mưu đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ xem xét phê duyệt là thúc đẩy xã hội hóa trong thể thao.