Các quốc gia EU đang chuẩn bị bỏ phiếu về một đề xuất cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm từ dầu vào cuối năm nay. Các biện pháp này là một phần của gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự ở Ukraina.
Bộ trưởng Habeck nói với đài truyền hình RTL: “Thật không may, tôi phải nói rằng thực sự sẽ có sự thiếu hụt xăng. Có thể có một khoảng thời gian ngắn thiếu dầu” - ông Habeck nói, nhưng trấn an rằng chính phủ đang nỗ lực để đảm bảo điều đó không xảy ra.
Xăng dầu ở phía Đông của Đức được nhà máy lọc dầu Schwedt cung cấp. Nhà máy này hoạt động hoàn toàn bằng hàng nhập khẩu của Nga. Đây là một trong những cơ sở chế biến dầu thô lớn nhất ở Đức và cung cấp 90% lượng xăng, dầu diesel và dầu nhiên liệu được sử dụng ở Berlin và bang Brandenburg. Nếu lệnh cấm vận được thông qua, nhà máy lọc dầu có thể phải đóng cửa, đài truyền hình Đức Deutsche Welle (DW) đưa tin hôm 2.5.
Đức đã giảm tỷ trọng nhập khẩu dầu của Nga từ 35% xuống 12% kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina hồi cuối tháng 2, phù hợp với nỗ lực của EU trong việc cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng của Nga.
Trong một diễn biến khác, tập đoàn ôtô khổng lồ của Đức Volkswagen (VW) trong tuần này cho biết vẫn để ngỏ các lựa chọn về cách thức cung cấp năng lượng cho nhà máy sản xuất khổng lồ ở Châu Âu. VW thừa nhận rằng vẫn cần than bất kể EU có kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga hay không.
Khi được CNBC hỏi rằng công ty lo ngại như thế nào về việc mất nguồn cung cấp khí đốt từ Nga và điều đó sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của công ty, Herbert Diess, giám đốc VW cho biết: “Đó thực sự là một mối đe dọa… bởi vì rất khó dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Ở Wolfsburg chúng tôi vẫn có các nhà máy nhiệt điện than mà chúng tôi muốn - và chúng tôi đang - chuyển đổi sang khí đốt”.
Cơ sở sản xuất của Volkswagen tại thành phố Wolfsburg của Đức có diện tích 6,5 triệu mét vuông. Cơ sở này sử dụng hai nhà máy đồng phát cung cấp nhiệt và điện.
Công ty đã có kế hoạch thay thế các lò hơi đốt than bằng các tổ máy tuabin khí và hơi nước nhằm giảm lượng khí thải carbon dioxide.
“Tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng nhưng bây giờ chúng tôi có một chút do dự, và chúng tôi sẽ xem xét tình hình phát triển như thế nào. Chúng tôi có thể thích ứng... với tình hình. Chúng tôi có thể kéo dài các nhà máy đốt than của mình - hy vọng là không quá lâu. Sau đó, chúng tôi muốn đổi sang khí đốt khi nguồn cung được đảm bảo” - ông Diess nói.
Reuters cũng dẫn lời ông Diess nói với các phóng viên rằng VW “vừa quyết định nâng cấp các nhà máy nhiệt điện than của để vẫn có thể sử dụng than hoặc khí đốt” cho các hoạt động chính của công ty tại Wolfsburg.
Liên minh Châu Âu đang hướng tới mục tiêu loại bỏ năng lượng của Nga, đã cam kết cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Mátxcơva vào năm tới và loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào trước năm 2030. Nga là nhà cung cấp năng lượng chính cho EU, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên của khối.