Các nguồn tin cho biết Reuters biết, Ủy ban Châu Âu sẽ đề xuất một lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga và đã thảo luận về việc cho Hungary và Slovakia - hai quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Nga và đã tuyên bố phản đối lệnh cấm - quyền miễn trừ nhằm đạt được sự nhất trí giữa các nước còn lại của Liên minh Châu Âu 27 thành viên.
Ủy ban Châu Âu dự kiến trong ngày 3.5 sẽ hoàn tất gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga vì chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraina. Gói trừng phạt thứ 6 bao gồm lệnh cấm mua dầu của Nga. Xuất khẩu dầu là nguồn thu chính của Mátxcơva.
Hungary, quốc gia phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga, đã nhiều lần tuyên bố sẽ không ký vào các lệnh trừng phạt liên quan đến năng lượng. Slovakia cũng nằm trong số các quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Để đạt được sự thống nhất cho khối 27 quốc gia, Ủy ban Châu Âu có thể đề xuất cho Slovakia và Hungary "miễn trừ hoặc một thời gian chuyển tiếp dài" - Reuters dẫn lời một trong các quan chức EU thông tin.
Ngày 3.5, Bộ Kinh tế Slovakia cho biết nước này sẽ xin miễn trừ mọi lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga mà EU đã đồng ý trong gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Mátxcơva.
Slovakia nhập khẩu gần như toàn bộ dầu thô từ Nga chủ yếu thông qua đường ống Druzhba từ thời Liên Xô, và có trữ lượng dầu dự trữ trong 120 ngày. Công ty lọc dầu duy nhất của Slovakia là Slovnaft, thuộc tập đoàn MOL của Hungary.
Bộ Kinh tế Slovakia cho hay việc tinh chế các loại dầu khác nhau không thể thực hiện được ngay lập tức và việc chuyển đổi công nghệ rất khó khăn về tài chính và thời gian. "Do đó, chúng tôi yêu cầu một thời gian chuyển tiếp dài hơn đối với dầu vận chuyển bằng đường ống" - Bộ cho hay.
Bộ Kinh tế cũng nói rằng Slovakia đang tích cực hỗ trợ Ukraina cung cấp nhiên liệu. Ngoài ra, Slovakia đã cung cấp vũ khí, bao gồm hệ thống phòng không S-300 và các khoản viện trợ quân sự khác cho Ukraina. Thủ tướng Slovakia Eduard Heger cũng nằm trong số các nhà lãnh đạo phương Tây thăm Kiev trong những tuần gần đây.
Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba đã cảm ơn Slovakia vì sự ủng hộ của họ đối với Kiev, trong động thái dường như là một dấu hiệu cho thấy sự hiểu biết về lập trường của Slovakia.
"Ukraina sẽ luôn ghi nhớ những gì những người bạn Slovakia đã làm cho chúng tôi. Chào đón nồng nhiệt những người Ukraina chạy trốn khỏi chiến tranh, viện trợ nhân đạo, cung cấp vũ khí, ủng hộ việc trao cho Ukraina tư cách ứng viên EU và cho phép xuất khẩu miễn thuế sang EU. Chúng tôi thật may mắn khi có Slovakia là hàng xóm” - Ngoại trưởng Kuleba viết trên Twitter.
Các quan chức cho biết lệnh cấm vận dầu mỏ có thể sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn và rất có thể sẽ có hiệu lực hoàn toàn từ đầu năm tới.
Châu Âu là thị trường xuất khẩu của gần một nửa sản lượng dầu mỏ và các sản phẩm dầu mỏ của Nga - mang lại cho Mátxcơva nguồn thu khổng lồ mà các nước bao gồm Latvia và Ba Lan cho rằng phải cắt giảm, để ngừng tài trợ cho chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan), các nước EU đã trả hơn 46 tỉ euro (47,43 tỉ USD) để mua khí đốt và dầu mỏ của Nga kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào ngày 24.2. Nhìn chung, EU phụ thuộc vào Nga khoảng 26% lượng dầu mỏ nhập khẩu.
Hungary và Slovakia - cả hai nước nằm trên tuyến đường phía nam của đường ống Druzhba đưa dầu của Nga đến Châu Âu - đặc biệt phụ thuộc vào Nga. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong năm 2021 Hungary nhập của Nga 58% dầu thô, trong khi Slovakia nhập tới 96%.
Trong một sự thay đổi lớn nhất cho đến nay, Đức tuyên bố sẽ không còn phản đối lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga ngay lập tức, mặc dù ban đầu phản đối vì lo ngại sẽ ảnh hưởng đến kinh tế - Deutsche Welle (DW) đưa tin.
Đức nhập khẩu 35% dầu thô từ Nga vào năm 2021 (555.000 thùng mỗi ngày), nhưng trong những tuần gần đây đã giảm xuống còn 12% - Bộ Kinh tế Đức cho biết trong một bản cập nhật về an ninh năng lượng hôm 1.5. Theo Bộ này, Đức có thể quản lý được lệnh cấm vận với thời gian chuyển tiếp đủ dài, tùy thuộc vào giá cả tăng.
Gói trừng phạt thứ 6 của EU sẽ được trình lên các chính phủ Liên minh Châu Âu vào ngày 4.5.