Giảm sức ì với khu vực viên chức
Tốt nghiệp Học viện Quân y cách đây 2 năm, bác sĩ Nguyễn Văn Minh (SN 1994, Thanh Hoá) không khó để tìm cho mình một công việc liên quan tới chuyên ngành y khoa. Trước thông tin về việc từ 1.7.2020 sẽ bỏ biên chế suốt đời với viên chức tuyển dụng mới thay vào đó bằng chế độ hợp đồng xác định thời hạn, dù thừa nhận đây sẽ là cơ hội để thực hiện việc trả lương tương xứng theo vị trí, chất lượng công việc, nhưng anh Minh vẫn còn băn khoăn. “Nếu thực hiện việc này thì quá trình đánh giá mức độ hoàn thành công việc của đơn vị, tổ chức phải thực sự khách quan, công tâm để bảo vệ được các quyền lợi chính đáng cho người lao động” - bác sĩ Minh nêu quan điểm.
Cho rằng chính sách “bỏ viên chức suốt đời” là một động lực quan trọng để các đơn vị sự nghiệp công chuyển dần sang dạng tự chủ, tự chịu trách nhiệm, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, đây là một bước quan trọng trong công tác quản lý cũng như đánh giá cán bộ. “Nguyên tắc của khu vực công và tư là sự cạnh tranh. Sẽ có chính sách để viên chức không phải sống bằng lương mà bằng thu nhập từ các sản phẩm nghề nghiệp của họ. Như vậy sẽ huy động được tinh thần phục vụ, trách nhiệm của viên chức và vẫn thu hút họ” - ông Thang Văn Phúc nhấn mạnh và cho rằng, điều này sẽ giảm đi sức ì trong khu vực viên chức, lâu nay thường có tư tưởng đã vào nhà nước là “ấm chân” suốt đời mà không cố gắng, không nỗ lực để hoàn thành công việc.
Có lo ngại lạm quyền trong đánh giá viên chức?
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cũng cho rằng, nếu thực hiện tốt chính sách này trong thực tế, thực hiện bỏ biên chế suốt đời, trả lương theo vị trí, chất lượng công việc... sẽ là cách khuyến khích được người làm việc hiệu quả, giữ chân được người tài. Cách làm mới này khiến những người có năng lực thực sự vui mừng, là cơ hội để đưa những kẻ yếu kém, cơ hội ra khỏi bộ máy. Và như vậy mới hy vọng hệ thống hành chính công được cải cách hiệu quả, môi trường kinh tế - xã hội thực sự kiến tạo để doanh nghiệp, người dân phát triển.
Cùng trao đổi với PV Lao Động về điều này, ông Nguyễn Tư Long - Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) cho rằng, đây là một bước thay đổi trong phương thức quản lý. Đồng thời, việc này cũng tạo một cơ chế linh hoạt cho cả lao động và người sử dụng lao động. Đơn vị nào có chế độ đãi ngộ tốt hơn sẽ thu hút nhiều người tài năng hơn. Ngược lại, người lao động cũng phải luôn cố gắng để đáp ứng được yêu cầu công việc.
“Việc bỏ biên chế viên chức suốt đời, thay đổi từ cơ chế hợp đồng không xác định thời hạn sang hợp đồng xác định thời hạn trước tiên sẽ tạo sự linh hoạt và tạo động lực để viên chức luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ của mình chứ không có tâm lý “trì trệ”. Như vậy sẽ giảm bớt được sức ì, tăng cao được năng suất lao động. Đồng thời, việc này cũng để tiến tới xác lập các vị trí việc làm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc trên vị trí đó. Việc này cũng tiến tới là cơ sở để đảm bảo thu nhập tốt hơn đối với viên chức. Viên chức mà hoàn thành tốt các công việc của mình thì cũng không có gì phải lo lắng” - ông Long nói.
Cũng theo ông Nguyễn Tư Long, khi thực hiện việc này cũng đặt ra vấn đề phải đánh giá chuẩn xác về mức độ hoàn thành công việc của viên chức, để từ đó xem xét ký tiếp hợp đồng. Công việc phải xuất phát từ vị trí việc làm. Sau đó từng cơ quan, tổ chức phải xác định được bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc như hệ đánh giá KPI để xác định cụ thể.
Trước việc lo ngại phát sinh thủ tục hành chính, lo ngại về việc thủ trưởng đơn vị lạm quyền, ông Nguyễn Tư Long cũng cho biết, Luật đã nâng mức thời hạn hợp đồng tối đa từ 36 tháng lên tới 60 tháng. Đồng thời, trong luật quy định rõ, trường hợp còn nhu cầu về vị trí việc làm và viên chức được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ thì phải tiếp tục ký hợp đồng với viên chức đó. Trong trường hợp này không được chấm dứt hợp đồng với viên chức đó để tuyển một nhân sự khác.
Liên quan tới lo ngại thủ trưởng các đơn vị sẽ nắm quyền sinh quyền sát trong việc sa thải người lao động, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, Nhà nước có cơ chế, công cụ để giám sát, kiểm soát, đâu có thể muốn làm gì thì làm. Và quá trình chuyển đổi sẽ có những bước đi, quy trình, chứ không phải tuyên bố một văn bản là xong. Luật cũng đã quy định rất rõ những điều khoản để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Nếu viên chức làm tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì không có gì phải lo lắng.
3 trường hợp viên chức được hưởng “biên chế suốt đời”
Hợp đồng không xác định thời hạn hay “chế độ biên chế suốt đời” chỉ còn được áp dụng với 3 trường hợp sau: Viên chức được tuyển dụng trước ngày 1.7.2020; Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức; Người được tuyển dụng làm viên chức làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 1.7.2020 đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn.
Luật sửa đổi lần này còn nâng thời hạn thực hiện hợp đồng xác định thời hạn từ tối đa 36 tháng lên đến 60 tháng. Nếu trước đây, thời hạn thực hiện hợp đồng làm việc là từ 12 tháng đến 36 tháng thì từ ngày 1.7.2020, hợp đồng này sẽ có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.