“Thời gian đầu, tôi hứng thú lắm nhưng gần đây thấy bên cạnh tư vấn bệnh bác sĩ còn tư vấn cả thuốc mà thực chất là thực phẩm chức năng như sản phẩm Pedia Fer hay Biogam..., có tác dụng bổ sung sắt và các vitamin nhóm B, tăng cường hấp thu sắt và dinh dưỡng, giúp bổ máu; Hỗ trợ liệu pháp điều trị thiếu máu do thiếu sắt. Kèm theo lời tư vấn là hình ảnh các sản phẩm, thậm chí còn cả lời nhắn: “Ai cần đặt trước không hết hàng phải chờ đợi. Ai cần nhắn cả địa chỉ và điện thoại để chuyển hàng”. Điều đáng nói, các bài bác sĩ đưa lên với tần suất nhiều và chỉ chú trọng một số sản phẩm”, chị Kim Ngân nghi ngờ.
Chỉ cần các bà mẹ hỏi: “Bác sĩ ơi bé nhà em 5 tháng cho uống canxi milk được không ạ?”. Ngay lập tức, bác sĩ Quang Huy trả lời: “Nên uống canxi cobire 5ml vì hiệu quả và kinh tế” Hay “Nên cho bé bổ sung vitamin D, canxi, kẽm và lysin em à”, “Bổ sung vitamin D và canxi cho bé em nhé, sterogyl và canxi cobire 5ml”… Tất cả những lời tư vấn đều dẫn đến việc… mua thuốc bổ sung.
Bác sĩ là ai?
Theo các trả lời trong trang “Bác sĩ của con”, bác sĩ Quang Huy cho biết là bác sĩ tự do, tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội năm 2012. Nhiều bà mẹ nghi ngờ đặt câu hỏi: Bác sĩ Quang Huy có phải là trình dược viên không? Đáp trả lại hoài nghi này, bác sĩ Quang Huy khẳng định không phải trình dược viên. Tuy nhiên, việc liên tục đưa hình ảnh thuốc bổ sung, treo hình ảnh các hãng dược trên trang “Bác sĩ của con” khiến nhiều người băn khoăn.
Hiện nay, nhiều người đang mang thói quen “chết người” là lên mạng google tìm kiếm cách chữa bệnh mỗi khi ốm đau bất thường cũng như nghe lời tư vấn như trang “Bác sĩ của con”.
Hơn nữa, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 05/2016 quy định về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Thông tư này tiếp tục quy định tuyệt đối không kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc.
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng khẳng định: Kinh doanh và hành nghề là 2 lĩnh vực khác nhau. Bác sĩ khi khám chữa bệnh thì không được kê thực phẩm chức năng nhưng khi kinh doanh thì được bán thực phẩm chức năng.