Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động khó khăn do COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP với 12 nhóm chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 như:
Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0); cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất...
Bổ sung kinh phí mua 61 triệu liều vaccine phòng COVID-19
Tại Quyết định 1022/QĐ-TTg ngày 30.6.2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung 7.650,776 tỷ đồng cho Bộ Y tế để mua và sử dụng 61 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do AstraZeneca sản xuất của Công ty cổ phần vaccine Việt Nam (30 triệu liều) và do Pfizer sản xuất (31 triệu liều) như đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững
Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đưa ra 5 mục tiêu:
1- Phấn đấu quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội và Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ;
2- Tập trung kiểm soát, đẩy lùi dịch COVID-19, phấn đấu hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất có thể;
3- Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững; 4- Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm. Trong đó đến hết quý III/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch;
5- Giữ vững ổn định chính trị xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng; gìn giữ môi trường hòa bình, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhanh, bền vững.
Xây dựng kịch bản phòng, chống dịch ở cấp độ cao hơn khi dịch lây lan trên diện rộng
Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Bình Dương phải xây dựng kịch bản phòng, chống dịch ở cấp độ nguy cơ dịch bệnh cao hơn nữa cho các tình huống xấu hơn nữa khi có thêm nhiều ca bệnh và dịch lây lan trên diện rộng.
Các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh, có phương án cách ly ngay tại cơ sở sản xuất theo tinh thần vừa sản xuất vừa chiến đấu với dịch bệnh, nhất là tại các khu công nghiệp, phát huy tinh thần chủ động, áp dụng nhiều phương thức phù hợp; thường xuyên kiểm tra và chấn chỉnh việc thực hiện của doanh nghiệp, bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Đồng Nai cần quyết tâm, kiên trì thực hiện mục tiêu kép
Tại Thông báo số 175/TB-VPCP, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Đồng Nai cần quyết tâm, kiên trì thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế; tạo nguồn lực để phòng, chống dịch tốt hơn. Tùy theo diễn biến tình hình thực tế, tỉnh cần lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với từng nhiệm vụ (phòng, chống dịch hoặc sản xuất kinh doanh, hoặc đồng thời thực hiện như nhau cả hai nhiệm vụ) tương tự như vậy đối với các huyện thị trực thuộc.
Tuyệt đối không để nơi tiêm chủng thành địa điểm tập trung đông người
Tại Thông báo số 170/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại cuộc họp Ban chỉ đạo và trực tuyến với tỉnh Tiền Giang có nêu nhiều chỉ đạo quan trọng.
Trong đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa điểm tiêm, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương triển khai hệ thống quản lý tiêm chủng vaccine COVID-19, tuyệt đối không để nơi tiêm chủng thành địa điểm tập trung đông người, có thể thành nơi lây nhiễm dịch.
Xem xét khả năng tiếp tục gia hạn ưu đãi thuế sản xuất, lắp ráp ôtô
Tại Công văn số 4349/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ về việc đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất ôtô, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát việc thực hiện Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp ôtô; nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung, xem xét khả năng tiếp tục gia hạn Chương trình ưu đãi thuế cho giai đoạn tiếp theo (sau năm 2022).