Theo TTXVN, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thể hiện mối quan tâm và sự động viên của Đảng, Nhà nước đối với giới doanh nhân, doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 kéo dài suốt hơn 1 năm qua, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
VCCI là tổ chức đại diện quốc gia của cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 58-CP ngày 27.4.1963 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Trong 58 năm qua, trong bất cứ hoàn cảnh nào, VCCI cũng luôn có những đóng góp lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Mỗi năm, VCCI luôn có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp và góp phần xây dựng môi trường kinh doanh; tham gia trực tiếp vào việc soạn thảo, góp ý xây dựng và hoàn thiện nhiều dự thảo văn bản pháp luật; đồng thời, tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo về xây dựng pháp luật, chính sách.
Đồng thời, tổ chức trên 1.500 lớp đào tạo, tập huấn cho trên 80.000 lượt doanh nghiệp; tổ chức đón tiếp và bố trí chương trình làm việc cho trên 350 đoàn với trên 20.000 lượt doanh nhân nước ngoài vào Việt Nam; tổ chức gần 150 đoàn với trên 7.000 lượt doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài khảo sát thị trường tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, tổ chức gần 600 cuộc hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ tiếp xúc doanh nghiệp với sự tham dự của trên 80.000 lượt doanh nghiệp;...
Trong giai đoạn hiện nay, khi dịch COVID-19 đang bùng phát trên toàn thế giới và tại Việt Nam, VCCI đã tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Ngày 17.9, VCCI đã thành lập Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19 để kết nối các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cùng hợp sức trong cuộc chiến chống COVID-19.
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Việt Nam đã chuyển sang trạng thái mới trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, trong môi trường “bình thường mới”, dịch bệnh đã trở thành yếu tố không thể tách rời trong hoạt động của các doanh nghiệp, nên cần chấp nhận và xác định sống chung.
Trong thực tiễn mới, cũng đã hình thành các yêu cầu đòi hỏi hệ thống luật pháp, chính sách cũ phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp, tránh trở thành điểm nghẽn của quá trình phục hồi sản xuất và kinh tế. Đây cũng chính là điều các doanh nhân, doanh nghiệp mong mỏi được kiến nghị trong cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Giới doanh nhân cũng thể hiện quyết tâm, sẽ nỗ lực vượt khó, chung sức đưa kinh tế đất nước bật dậy, làm nền tảng vững chắc cho chiến thắng trên mặt trận y tế, phòng chống dịch. Đồng thời, khẳng định những nỗ lực của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, củng cố niềm tin mạnh mẽ của người dân, doanh nghiệp… vào triển vọng kinh tế Việt Nam với nhiều cơ hội bứt phá trong thời gian tới.