Tính thời sự của bài viết “Tự phê bình” của Bác từ 70 năm trước
Ngày 20.5.1951, báo Nhân Dân đăng bài viết của tác giả C.B (sau này được xác định là bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Bài báo có tên ngắn gọn là “Tự phê bình” có văn phong giản dị nhưng sâu sắc.
Bác viết: “Vàng có thui, mới trong.
Nước có lọc, mới sạch.
Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế”.
Đặt câu hỏi “Tự phê bình là gì”, Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải: “Là thật thà nhận, công khai nhận trước mặt mọi người những khuyết điểm của mình để tìm cách sửa chữa.
Điều đó nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Khó là vì người ta hay có lòng tự ái. Thừa nhận cái sai, cái dốt, cái kém của mình, thì sợ mất thể diện, mất uy tín, mất địa vị.
Đó là lòng tự ái dại dột, khác nào có bệnh mà giấu bệnh. Giấu bệnh, thì càng ngày bệnh càng nặng, đến khi quá nặng không chữa được nữa, thì chết. Giấu khuyết điểm thì khuyết điểm càng ngày càng to, đến khi to quá, không sửa chữa được nữa, thì mọi việc đều hỏng.
Ai cũng cần tắm rửa cho mình mẩy sạch sẽ. Thì ai cũng cần tự phê bình cho tư tưởng và hành động được đúng đắn.
Những người cách mạng càng phải kiên quyết thực hành tự phê bình. Không thực hành tự phê bình, thì không xứng đáng là người cách mạng”.
Người cho rằng: “Thật thà tự phê bình chẳng những giúp cho mình sửa chữa, giúp cho mình tiến bộ mà còn giúp cho người khác biết để mà tránh. Một thí dụ: Đảng ta có mấy chục vạn đảng viên. Nếu đồng chí A phạm một điều sai lầm, liền thật thà tự phê bình, thì các đảng viên khác đều biết mà tránh, không phạm sai lầm ấy nữa. Trái lại, nếu đồng chí A không thật thà tự phê bình, để cho các đảng viên khác cũng phạm khuyết điểm ấy, thì cả Đảng cộng lại thành mấy chục vạn khuyết điểm! Như vậy, đồng chí A chẳng những dối mình, mà lại dối Đảng, là có tội với cách mạng, có tội với Đảng, có tội với Tổ quốc, với nhân dân.
Tự phê bình rồi để sửa chữa, để tiến bộ, cho nên phải thật thà, phải triệt để, mới có kết quả. Nếu chỉ làm cho qua chuyện, chỉ có hình thức thì vô ích”.
Bằng ngôn từ giản dị, Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải Tự phê bình phải thế nào?: “Ngày nào cũng phải ǎn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn, thì ngày nào cũng phải tự phê bình cho khỏi sai lầm.
Nghĩa là tự phê bình phải thường xuyên, chứ không phải chờ có khai hội mới tự phê bình, không phải khi làm khi không.
Tự phê bình phải thật thà. Khi tự mình kiểm điểm cũng như khi tự phê bình trước mọi người, có khuyết điểm gì nói hết, không giấu giếm chút gì. Phải tìm cho ra vì sao mà sai lầm. Sai lầm ấy sẽ thế nào? Dùng cách gì mà sửa chữa? và phải kiên quyết sửa chữa”.
Học Bác từ việc “tự phê bình”
Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII khi đề cập tới những biểu hiện suy thoát về tư tưởng, đạo đức, lối sống , “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của một bộ phận Đảng viên cũng đã chỉ ra: “Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng.
Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành. Mắc bệnh “thành tích”, háo danh, phô trương, che giấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, “đánh bóng” tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; “chạy thành tích”, “chạy khen thưởng”, “chạy danh hiệu”...”.
Một vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay là chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân sẽ khiến cán bộ, Đảng viên không dám nhận sai sót, thậm chí tìm mọi cách che dấu sai sót, khuyết điểm để tiến thân.
Trong bài phát biểu Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, phải “Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Vì “chủ nghĩa cá nhân là giặc nội xâm”, “là kẻ thù hung ác”; “nó rất gian giảo, xảo quyệt, nó kéo người ta xuống dốc không phanh”...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Người thường nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Về công tác tự phê bình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu: “Việc thực hiện Chỉ thị số 05 vẫn còn không ít hạn chế, cần được khắc phục. Đó là: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có nơi, có lúc chưa quyết liệt, chưa kịp thời, chưa sát thực tế, chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Việc cam kết tu dưỡng, rèn luyện, gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiệu quả chưa cao. Việc xác định khâu đột phá có nơi còn lúng túng.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có lúc còn bị động. Việc phát hiện, biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác chưa kịp thời, chưa đầy đủ; việc tuyên truyền, quảng bá, cổ vũ những gương người tốt, việc tốt nhiều lúc còn thiếu sức thuyết phục. Công tác đấu tranh với các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống chưa mạnh mẽ; việc tự phê bình và phê bình có nơi, có lúc còn làm qua loa, chiếu lệ, hình thức; tình trạng thiếu tự giác nhận khuyết điểm, đổ lỗi cho khách quan hoặc nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt; phạm vi, đối tượng còn hẹp; hiệu quả cảnh báo, phòng ngừa vi phạm chưa cao…
Học tập và làm theo bác từ những điều giản dị, trong đó tự phê bình một cách thực chất, cầu thị để tiến bộ cũng là làm theo Bác.
Nói như bài báo 70 năm trước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tự phê bình và sửa khuyết điểm có khi dễ, nhưng cũng có khi khó khǎn, đau đớn, vì tự ái, vì thói quen, hoặc vì nguyên nhân khác. Đó là một cuộc đấu tranh. Tự mình, không đánh thắng được khuyết điểm của mình, mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý. Vì vậy người cách mạng nhất định phải thật thà tự phê bình và kiên quyết chữa khuyết điểm”.