Công chức cũng nên ký hợp đồng có thời hạn
Một trong những điểm mới của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức là đề nghị thực hiện chế độ hợp đồng xác định thời hạn đối với tất cả viên chức tuyển dụng mới, nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tâm lý “viên chức trọn đời” trong đội ngũ viên chức. Chiều 10.6, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự luật này.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, đồng ý với phương án 1 của dự thảo luật, là thực hiện hợp đồng có thời hạn đối với viên chức tuyển dụng mới.
“Tôi thống nhất phương án 1 Chính phủ trình, đó là tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi luật có hiệu lực sẽ thực hiện việc ký hợp đồng xác định thời hạn.
Liên quan đến việc này, về lâu dài, với công chức có nên chăng cũng áp dụng quy định tương tự như vậy. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, sự nghiệp công lập lựa chọn người phù hợp vị trí việc làm, tạo sự cạnh tranh, động lực để viên chức làm việc tốt, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ”, đại biểu Hòa nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo đại biểu Hòa, khi thực hiện “bỏ viên chức suốt đời”, cần phải có điều khoản ràng buộc chủ thể ký hợp đồng lao động không được tùy tiện cắt hợp đồng khi chưa hết hạn mà không rõ lý do, minh bạch việc xử lý kỷ luật viên chức nghỉ việc, nghỉ hưu, thời hạn, thời hiệu giống như cán bộ, công chức.
Có mâu thuẫn với Bộ luật Lao động?
Không đồng tình với ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) đã tranh luận lại. Bà cho rằng, việc quy định ký hợp đồng xác định thời hạn, kể cả đối với trường hợp sau khi kết thúc hợp đồng xác định thời hạn lần 2 là chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 19, Hội nghị Trung ương 6 khóa XII và mâu thuẫn với Bộ luật Lao động.
Bà kiến nghị nên thực hiện theo phương án 2 trong Tờ trình của Chính phủ là phù hợp. Theo đó, quy định là viên chức được tuyển dụng mới sau khi ký hợp đồng xác định thời hạn tối đa 2 lần sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Đại biểu Hương cho rằng, nếu thực hiện như phương án 2 của dự luật, sẽ khắc phục được cơ chế xin - cho, tránh trường hợp tiêu cực khi đến hạn ký hợp đồng và cũng tránh gây thêm thủ tục ký lại hợp đồng, mất thời gian, tốn kém không cần thiết.
Xóa bỏ việc đánh giá hình thức, nể nang
Đồng quan điểm với đại biểu Hương, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, nếu ký hợp đồng có thời hạn với viên chức sẽ tạo ra tâm lý bất an, không yên tâm cho viên chức khi làm việc; có thể xảy ra tình trạng lợi dụng, lạm dụng dẫn đến tiêu cực, phát sinh thêm thủ tục, không thu hút người có tài năng.
“Hiện nay với viên chức, mặt bằng chung lương thấp, việc làm vừa áp lực vừa không an toàn, thiếu chính sách thu hút nhân tài. Nếu việc làm lại không ổn định, tất yếu có sự dịch chuyển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao từ công sang tư”, đại biểu Linh góp ý.
Đại biểu đoàn Cà Mau cũng cho rằng, chỉ nên quy định phân loại đánh giá cụ thể hơn với cán bộ viên chức, nhằm xóa bỏ việc đánh giá hình thức, định tính và nể nang. Hoặc hình thức đánh giá phải quy định rõ trong luật, có chế tài xử lý nghiêm, khi đó sẽ tạo được cơ chế “có vào có ra” và khắc phục được tình trạng biên chế suốt đời.