Chiều 2.12, Hội đồng nhân dân TP.Hà Nội tổ chức họp báo thông tin trước kỳ họp thứ 10 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2022) để xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu chi ngân sách năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 của thành phố.
Theo đó, kỳ họp HĐND TP.Hà Nội diễn ra từ ngày 7-10.12, dự kiến xem xét 44 nội dung gồm 22 báo cáo và 22 nghị quyết.
Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi cuối tháng 10, UBND Thành phố Hà Nội đã xây dựng tờ trình số 353 gửi Thường trực HĐND thành phố về việc phê duyệt đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở.
Trong đó, Hà Nội đưa ra dự thảo quy định công dân khi làm thủ tục đăng ký thường trú phải có chỗ ở hợp pháp có diện tích bình quân tối thiểu 20m2, nếu nhà ở không có nguồn gốc sở hữu nhà nước.
Tuy nhiên, đến ngày 23.11, UBND Thành phố Hà Nội lại có văn bản hoả tốc xin lùi thời gian trình nghị quyết này. Dù vậy, những động thái trên đã tác động khá lớn tới người dân, trong đó có lực lượng người lao động có nhu cầu đăng ký thường trú tại Hà Nội.
Trả lời vấn đề này, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết, Luật Cư trú quy định, công dân có nhà thuê, nhà mượn, nhà ở nhờ muốn đăng ký không thấp hơn 8m2 sàn/người. Nội dung này giao thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh/thành phố quy định.
Theo ông Quân, trên căn cứ đó, UBND thành phố có dự kiến trình HĐND cùng cấp thông qua quy định này. UBND thành phố đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng nghị quyết này. Do đó, để đảm bảo thời gian, đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật, UBND thành phố đã xin lùi thời gian trình nghị quyết này.
"Trong quá trình các cơ quan nghiên cứu, tính toán tại sao lại 8m2, tại sao lại 20m2 sẽ được nghiên cứu. Những nội dung này sẽ được đăng tải công khai và xin ý kiến rộng rãi" - ông Quân nói và cho biết lý do xin lùi thời gian ban hành nghị quyết nêu trên được UBND TP Hà Nội đưa ra “để đảm bảo đúng trình tự ban hành văn bản”.
Theo dự thảo, quy định đối với nhóm nhà ở cũ có nguồn gốc sở hữu nhà nước thì hạn mức diện tích bình quân tối thiểu là 8m2. Đây là nhà do các cơ quan đơn vị bố trí phân phối, cho thuê trước đây hoặc có hợp đồng thuê nhà ở cũ do Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội (thuộc UBND TP Hà Nội).
Riêng đối với nhóm nhà ở còn lại (không có nguồn gốc sở hữu nhà nước), dự thảo quy định diện tích bình quân tối thiểu là 20m2, tính theo m2 sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.
Tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về Luật Cư trú 2020 thể hiện, trường hợp công dân đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ (theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật Cư trú 2020) phải có thêm giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.
Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú gồm: Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có thể hiện thông tin về diện tích nhà ở đang sử dụng hoặc xác nhận của UBND cấp xã, huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về điều kiện diện tích bình quân bảo đảm theo quy định của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.