3 nội dung chính của Diễn đàn Người lao động 2023
Chiều mai (28.7), tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ chủ trì Diễn đàn Người lao động năm 2023 - diễn đàn đầu tiên do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.
Diễn đàn được tổ chức theo sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhân kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28.7.1929 - 28.7.2023).
Thông tin với Lao Động, Văn phòng Quốc hội cho biết, diễn đàn là dịp để đại diện cử tri là đoàn viên công đoàn bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội về chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn.
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà, Diễn đàn Người lao động năm 2023 tập trung vào 3 nhóm vấn đề chính như sau:
- Bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất các ý tưởng, giải pháp và khẳng định quyết tâm vượt mọi khó khăn trước mắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới xây dựng nước Việt Nam hùng cường theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
- Xây dựng pháp luật, thể chế về vấn đề tạo việc làm, duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống và cải thiện điều kiện làm việc của người lao động; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của người lao động; vấn đề bảo hiểm xã hội và phúc lợi cho người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
- Công tác giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan; phản ánh thực tiễn thi hành, góp ý đối với các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật An toàn vệ sinh lao động, Luật Đất đai…
Nhiều quyết sách rất quan trọng
Cũng theo ông Phạm Thái Hà, diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước vừa trải qua gần 3 năm khó khăn vì đại dịch COVID-19, các chuỗi cung ứng sản xuất bị gián đoạn, đứt gãy, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động, người lao động mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống.
Hiện nay, đại dịch COVID-19 bị đẩy lùi, nền kinh tế đất nước khởi sắc trở lại, kinh tế vĩ mô nước ta cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, nông nghiệp tăng trưởng ổn định, thương mại, dịch vụ có xu hướng tăng; an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và đời sống người dân tiếp tục được quan tâm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ổn định kinh tế vĩ mô còn chưa thực sự vững chắc; tăng trưởng kinh tế đạt thấp; kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ số sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài suy giảm…
Trong bối cảnh đó, Quốc hội, Chính phủ vẫn quyết tâm kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2023 đã đề ra. Cùng với những nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, Quốc hội đã kịp thời có nhiều quyết sách rất quan trọng để thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Có thể kể đến như: tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2023 để kích cầu, thúc đẩy thị trường nội địa.
Quốc hội cũng cho phép tiếp tục phân bổ hơn 100.000 tỉ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021–2025, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bổ sung thêm vốn cho nền kinh tế.
Đồng thời, cho phép linh hoạt điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để đẩy nhanh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.
Quốc hội cũng quyết định và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án quan trọng thuộc thẩm quyền; quyết định đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng thời sửa đổi bổ sung căn bản các thủ tục, quy định về xuất, nhập cảnh của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam để tạo thuận lợi hơn nữa cho công dân và kích cầu du lịch…
Trong bối cảnh đó, tư tưởng, tâm trạng của đoàn viên, người lao động cơ bản ổn định, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tình hình ngừng việc tập thể giảm mạnh.
Tuy nhiên, tình hình việc làm, thu nhập, đời sống của đoàn viên, người lao động còn gặp nhiều khó khăn; tình trạng nợ tiền bảo hiểm xã hội vẫn diễn ra ở nhiều địa phương.
Do đó, diễn đàn cũng là dịp để đề xuất ý tưởng, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2023 và nhiệm kỳ 2021-2026, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và thực hiện khát vọng dân tộc phồn vinh, hạnh phúc.