Quốc hội “duyệt” chỉ tiêu GDP 6%
Hôm qua 11.11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm là 6%, quy mô GDP bình quân khoảng 3.700 USD/người. Theo ông Vũ Hồng Thanh, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, mức tăng trưởng GDP khoảng 6% là khá cao, nếu đề ra mục tiêu tổng quát “tập trung thực hiện mục tiêu kép” thì tăng trưởng kinh tế khó đạt khoảng 6%, đề nghị đặt chỉ tiêu trên 5% hoặc từ 5,5%-6%.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021.
“Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021”, ông Thanh đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo nghị quyết.
Về vấn đề này, trao đổi với Lao Động, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, việc Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP 6% năm 2021 là động lực để thúc đẩy sự
phát triển. Theo ông Long, chúng ta luôn kỳ vọng ở sự phát triển và phấn đấu để đạt được mục tiêu đề ra. Với tình hình thực tế thì chỉ tiêu đặt ra như vậy có khả thi hay không. Có khó khăn không. Ông Long nói rằng, nếu chưa kiểm soát được dịch bệnh thì chỉ tiêu đặt ra như vậy cao nhưng nếu kiểm soát tốt dịch mà chỉ tiêu như vậy là bình thường. Từ đó, vị chuyên gia này cho rằng tính khả thi phụ thuộc vào việc trong nước và thế giới kiểm soát dịch bệnh tốt.
Động lực để phấn đấu
Theo TS Ngô Tuấn Anh - giảng viên Trường Đại học kinh tế Quốc dân, trong bối cảnh hiện nay kinh tế toàn cầu bị suy giảm do dịch bệnh COVID-19, việc Quốc hội giao Chính phủ mục tiêu GDP năm 2021 tăng trưởng 6%, GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD, CPI khoảng 4% đây là mục tiêu để tất cả các thành phần kinh tế đều cố gắng phấn đấu. Nhưng việc đạt được mục tiêu này rất khó khăn vì năm 2020 dự kiến chỉ đạt 3%, trong khi diễn biễn của dịch bệnh vẫn khó lường, trong khi chưa có vaccine điều trị.
Hiện dẫn đầu việc xuất khẩu tại Việt Nam là các doanh nghiệp điện tử và nông lâm thuỷ sản. Việc phát triển xuất khẩu sẽ kích cầu các doanh nghiệp khác cùng phát triển. Cùng đó, theo TS Ngô Tuấn Anh việc đẩy mạnh đầu tư công cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và đây cũng là khu vực đầu tư không có hiệu quả so với các đầu tư khác. Nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay muốn thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo tăng trường GDP thì đẩy mạnh đầu tư công cũng là một giải pháp vì theo công thức của GDP C+I+G (I là đầu tư).
Cùng đó chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành cho rằng, tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều bất trắc, cùng với đó thị trường thế giới cũng đang rất khó khăn. Nhưng bù lại thị trường trong nước ổn định với việc Chính phủ đã kiểm soát tốt dịch bệnh không để lây lan trong cộng đồng, nguồn cầu trong nước cũng là nguồn bổ sung cho tăng trưởng. Cùng với đó việc xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ và Trung Quốc cũng tăng rất mạnh, đây là cơ sở để cho rằng xuất khẩu sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, cùng với việc Hiệp định EVFTA đã được kỳ và tiếp tục vận hành trong năm tới. Đây là những yếu tố thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021.
Nhưng ông Thành cũng cho rằng, bất lớn nhất hiện nay là sự đứt đoạn trong nguồn cung ứng chung của thế giới vào Việt Nam và Việt Nam ra thế giới và hiện chúng ta đang khắc phục. Do đó, có thể khẳng định tăng trưởng của năm 2021 sẽ cao hơn năm 2020, với điều kiện kiểm soát tốt dịch bệnh như hiện nay.
Liên quan đến vấn đề đầu tư công, ông Thành cho rằng, việc đầu tư đang được đẩy mạnh là đúng nhưng sẽ không đúng kế hoạch và sẽ chuyển sang năm sau. Nhưng đầu tư hiện tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó cần phải giám sát chặt để hạn chế thất thoát. Cũng theo ông Thành, để đón dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cần phải đẩy nhanh quá trình cấp phép xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất mới (đặc biệt là đầu tư tư nhân). Theo dự báo trong thời gian tới Việt Nam sẽ đón nhiều dự án đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ… nếu không hành động triển khai khi hết dịch chúng ta sẽ không đáp ứng được nhu cầu đầu tư sẽ tuột mất cơ hội.
Giải ngân đầu tư công vẫn là yếu tố quyết định
Trong khi đó đánh giá về khía cạnh kinh tế, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng 6% trong Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 là rất cẩn trọng, bởi đây là năm bản lề cho quá trình phát triển trong giai đoạn 5 năm tiếp theo 2021-2025.
Theo ông Thịnh, thực tế cho thấy, kinh tế trong nước đã bật dậy tương đối nhanh và mạnh trong những tháng cuối năm, đặc biệt là trong quý IV sắp tới. Bên cạnh đó, hiện nay đa số các nước trên thế giới đã dần thích nghi và sống chung với đại dịch COVID-19, dù cho nhiều quốc gia phải đóng cửa lần 2, lần 3 vì các đợt bùng phát mới, thì cũng có những quốc gia như Nga, Mỹ đã có vaccine phòng dịch.
“Do đó, vẫn còn những cẩn trọng khi mở cửa quốc tế, tuy nhiên kỳ vọng vào bức tranh kinh tế khởi sắc hơn trong 2021 trên toàn thế giới, cùng với việc giữ nguyên được nhịp tăng trưởng kinh tế, không có yếu tố tiêu cực từ dịch bệnh, thiên tai... thì chỉ tiêu GDP đạt 6% hoàn toàn có thể đạt được”, ông Thịnh khẳng định.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận định, để tạo ra được động lực thực hiện tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay thì Chính phủ cần tiếp tục rà soát, đẩy nhanh vốn đầu tư công, coi đó như đòn bẩy để thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế phục hồi, phát triển nhanh chóng. Đồng thời, nhà nước phải hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng, chinh phục thị trường nội địa hơn 90 triệu dân. Vấn đề nằm ở chỗ, dù những quốc gia trên thế giới có mở cửa nền kinh tế thì cũng sẽ cầm chừng, nên hoạt động liên quan đến xuất, nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm và gặp nhiều khó khăn.
Do vậy, việc chinh phục thị trường nội địa trở thành yếu tố trọng yếu của nhiều doanh nghiệp. Muốn làm được nó, doanh nghiệp cần thay đổi mẫu mã, cách tiếp cận, giá cả, khuyến mãi... để phù hợp với văn hóa Việt Nam. “Nếu nhận định sức tiêu thụ hàng hóa trong nước yếu là rất sai lầm. Chúng ta phải thấy rằng, trước đây hàng nhập khẩu hoành hành rất nhiều, người Việt có xu hướng dùng hàng ngoại”, ông Thịnh nói và cho biết rằng thời điểm hàng ngoại nhập bị hạn chế thì doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội để thể hiện mình, chứng minh hàng Việt Nam không hề thua kém hàng ngoại về chất lượng, thậm chí còn có lợi thế hơn về giá.
Thể hiện quyết tâm phục hồi kinh tế
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, sáng 11.11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Với 430/439 đại biểu tán thành (chiếm 89,21% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 được xây dựng trên cơ sở kết quả ước thực hiện của năm 2020, tính toán, cân đối các nguồn lực cũng như tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế; bối cảnh, tình hình của năm 2021.
“Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% thể hiện quyết tâm của Chính phủ phục hồi kinh tế sau khi kiểm soát thành công đại dịch COVID-19, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh động trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2021”, báo cáo nêu.
Nêu một số giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, cần phải tập trung nguồn lực đầu tư và hỗ trợ để phát triển những tập đoàn kinh tế mạnh, làm trụ cột cho các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế.
Góp ý về một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, cần tập trung nghiên cứu cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh. Vì đây là những đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp nhất và nhiều nhất.
Các chỉ tiêu chủ yếu về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021
1. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%; 2. Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người; 3. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; 4. Tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; 5. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%; 6. Tỉ lệ lao động qua đào tạo khoảng 66%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ khoảng 25,5%; 7. Tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 91%; 8. Tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm; 9. Tỉ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 90%; 10. Tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị trên 87%; 11. Tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường khoảng 91%; 12. Tỉ lệ che phủ rừng khoảng 42%. Vương Chung Hà