Thủ tướng nhấn mạnh: Cùng với công khai minh bạch, sát dân, vì dân, câu đó thì dễ nhưng không phải dễ đâu, đừng để người dân sợ công an. Không có công an một ngày rất nguy cấp nhưng họ cũng rất e ngại. Vì thế công an phải sửa phong cách, cách làm, nhưng nhất là luật, làm sao để người công an nhân dân sát dân hơn, gần dân hơn. Công an cùng với quân đội là lực lượng trụ cột, chủ công đảm bảo an ninh xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, lực lượng công an cần đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân tốt hơn. Vừa qua lực lượng này đã cố gắng nhưng an toàn của người dân trên một số lĩnh vực còn bất cập, trách nhiệm một phần thuộc chính quyền song chính là trách nhiệm của lực lượng công an.
Theo Thủ tướng, cần thiết kế luật này theo hướng nhằm đảm bảo xã hội an toàn hơn. Thủ tướng cũng thẳng thắn nói: Chúng ta có khuyết điểm, chưa đảm bảo an toàn cho người dân từ nhiều khía cạnh từ điều tra xâm hại trẻ em, tai nạn giao thông…, đây là trách nhiệm của cấp uỷ chính quyền, lực lượng công an.
Đề cập tới công an xã, thị trấn… hiện có hơn 11.000 người, Thủ tướng cũng lưu ý, nếu hiện đại hoá hết thì chắc không có nguồn lực nên phải chọn lọc những xã phường khó khăn. Hiện nay có tình trạng “vác tù và” ở cấp công an xã, nên cần cơ cấu lại. Tất nhiên không phải làm ngay được một lúc nhưng cần có lộ trình.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, các cấp uỷ chính quyền địa phương cần quan tâm hơn trong xây dựng lực lượng công an nhân dân, lãnh đạo tốt nhất trong bối cảnh hiện nay để chúng ta không có bất ngờ xảy ra. Ở các địa phương phát triển kinh tế tốt nhưng nếu không có an ninh trật tự tốt thì dân cũng không yên tâm.