Theo bà Minh, Quỹ bảo hiểm y tế thời gian qua làm được khối lượng công việc lớn: Mỗi năm khám chữa bệnh cho khoảng 150 triệu lượt người, độ bao phủ là 77 triệu (83% dân số). Trên thực tế, bình quân mức thu BHYT mỗi người chưa đến 30 USD, tổng quỹ mỗi năm được trên 70.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, đối tượng phục vụ quá lớn và rải ra ở 14.000 cơ sở khám chữa bệnh nên dẫn đến tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT từ cả người bệnh lẫn cơ sơ y tế.
“Tổng quỹ BHYT được phép sử dụng trong năm 2017 là 73.000 tỉ đồng, nhưng theo số liệu dự báo thì năm nay sẽ chi khoảng 80.000 tỉ đồng, nghĩa là tăng 7.000 tỉ đồng”, bà Minh cho hay. Ngoài ra, theo bà Minh, trong số tiền chi nói trên có khoảng 10% “có yếu tố không bình thường".
Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, nếu bệnh nhân chữa bệnh hết 100 đồng thì BHYT chi trả 29 đồng, bệnh nhân tự trả 43 đồng; 19 đồng do nhà nước trả và 9 đồng từ các nguồn khác. Như vậy, nếu BHYT trả 1 đồng thì người dân đồng chi trả 1,5 đồng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu tỉ lệ tiền chi trả trên 30% thì không đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận các dịch vụ y tế do đó có xu thế người giàu khám chữa bệnh tuyến tỉnh, trung ương, người nghèo khám tuyến quận, huyện. Đây chính là sự mất công bằng, bất bình đẳng trong dịch vụ y tế. Nguyên nhân đã được nói nhiều, đầu tư chưa đủ, trang thiết bị yếu kém, đặc biệt vấn đề chuyên môn…
“Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế tại 4 tỉnh với bệnh tăng huyết áp đã cho kết quả chẩn đoán đúng 54%, kê đơn thuốc có thể có hại cho bệnh nhân 32%. Điều này gây mất lòng tin của người dân với y tế cơ sở. Vì thế, có nghịch lý 70% bệnh nhân khám ở tuyến cơ sở, BHYT chi trả 30% tổng giá trị chi trả, trong khi đó 30% khám tuyến tỉnh thì BHYT chi trả 70%”, ông Tuấn nói.