Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV tới, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).
Theo tờ trình của Bộ Công an, hiện nay, các quy định của Luật Căn cước công dân về việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân còn chưa được đầy đủ, bao quát.
Luật Căn cước công dân mới chỉ tập trung vào việc quản lý công dân qua Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, qua thẻ căn cước công dân mà chưa có quy định về tài khoản định danh điện tử đối với tổ chức, cá nhân trên môi trường điện tử.
Trong khi đó, đây là vấn đề lớn, tác động rộng rãi đến nhiều chủ thể khác nhau bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp được giao thực hiện một số dịch vụ công và tổ chức, cá nhân khác nên cần được luật hóa để bảo đảm đúng tinh thần của Hiến pháp là các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân cần phải ban hành dưới hình thức luật (khoản 2 Điều 14 Hiến pháp), bảo đảm, bảo vệ được quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Cũng theo Bộ Công an, Đề án số 06 của Chính phủ cũng đã xác định các nhiệm vụ chính liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ căn cước công dân gồm:
(1) Hoàn thành tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số Chứng minh nhân dân (9 số) với Căn cước công dân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để 100% tài khoản định danh điện tử của cá nhân đã được tạo lập bởi Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện được việc xác thực với danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp.
(2) Bảo đảm từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân trên cơ sở tích hợp, xác thực các thông tin, giấy tờ cá nhân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để chỉ cần sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID), trong đó, tập trung thực hiện ngay đối với một số giấy tờ như: Bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, mã số chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề, tiêm chủng, giáo dục, thẻ cán bộ, công chức, viên chức...
(3) Nghiên cứu, triển khai thí điểm việc ứng dụng các tính năng, tiện ích có sẵn của chíp điện tử trên thẻ căn cước công dân đối với các lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác.
(4) Triển khai rộng rãi việc ứng dụng các tính năng, tiện ích của chíp điện tử trên thẻ căn cước công dân đối với các lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng (mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử...) và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác.
(5) Triển khai ứng dụng các tính năng của chíp điện tử gắn trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNeID trong các lĩnh vực của đời sống, xã hội nhất là các lĩnh vực chuyển đổi số mạnh nhất như: Ngân hàng (mở tài khoản, nhận biết khách hàng, thanh toán, cho vay, ví điện tử...), tài chính, viễn thông, điện, nước.
(6) Đánh giá rà soát các văn bản pháp luật để triển khai thực hiện tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân vào thẻ căn cước công dân gắn chíp.
Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định cụ thể nêu trên, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân năm 2014 để tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.