Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân vừa được hoàn tất tháng 7.2017 với các điều khoản cấm các nước thành viên không được phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, tàng trữ, sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân.
Khi tham gia Hiệp ước, các nước thử hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ phải có trách nhiệm hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả. Đến nay, Hiệp ước đã được 52 nước ký và sẽ có hiệu lực sau khi được 50 nước phê chuẩn.
Việc sớm ký Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân đã thể hiện rõ chính sách nhất quán của Việt Nam vì hoà bình, ủng hộ việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới, theo TTXVN.
Việc ký kết diễn ra trong thời gian Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự phiên thảo luận cấp cao khóa họp 72 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại thành phố New York, Mỹ.
Phiên thảo luận cấp cao khóa 72 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc diễn ra từ ngày 19-25.9, tập trung vào mục tiêu thúc đẩy thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các thỏa thuận toàn cầu. Các nước thành viên tiếp tục coi trọng, đề cao vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong điều phối ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Cũng trong ngày 22.9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao của Liên Hợp Quốc có chủ đề: “Tập trung cho con người: Phấn đấu vì hoà bình và một cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người trên một hành tinh bền vững”.
Bên lề phiên thảo luận, Phó Thủ tướng đã gặp các Ngoại trưởng Hungary, Saudi Arabia và Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Philipp Rosler.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng gặp một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Mỹ, như Boeing, ExxonMobil, Uber, AES, MetLife, Pfizer...
Trước đó, trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao ngày 21.9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho hay, bên cạnh việc tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận cấp cao của Liên Hợp Quốc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng tham dự các cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Liên Hợp Quốc và dự kiến sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương bên lề như gặp Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và trưởng đoàn một số nước khác.