5 ưu tiên, 300 hội nghị, hoạt động
“Việt Nam xác định việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN là trách nhiệm to lớn nhưng mang lại nhiều cơ hội” - ông Nguyễn Quốc Dũng - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - nói trong họp báo quốc tế về năm Chủ tịch ASEAN 2020 tại Hà Nội ngày 18.11. Theo đó, Việt Nam sẽ “giành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này”.
Với chủ đề năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, Thứ trưởng cho biết, trong nhiệm kỳ chủ tịch, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên. Trước tiên là phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN.
Các ưu tiên khác là thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0; Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN; Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới; Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN.
Xác định khối lượng công việc đảm nhiệm trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ rất nặng nề, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng tiết lộ, Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau, trong đó quan trọng nhất là 2 hội nghị cấp cao vào tháng 4 và tháng 11.2020… “Cơ bản đến nay, Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, bắt đầu với sự kiện đầu tiên - Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 1.2020” - Thứ trưởng nói.
Cơ hội đáng quý để tạo giá trị cộng hưởng
Được biết, 5 ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam cũng đồng thời sẽ được gắn kết phù hợp với các ưu tiên Việt Nam thúc đẩy trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giai đoạn 2020-2021 để tạo giá trị cộng hưởng.
Nói về những thách thức và giải pháp trong bối cảnh Việt Nam đảm nhận vai trò “kép” ở các tổ chức đa phương cấp khu vực và toàn cầu năm 2020, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 cho biết: “Việc đảm nhận 2 nhiệm vụ này cùng 1 lúc đương nhiên có vất vả hơn, nhiều việc đặt ra hơn nhưng có sự bổ trợ cho nhau rất tốt. Tôi thấy đây là cơ hội rất đáng quý”.
Ông lý giải: “Là Chủ tịch ASEAN, với tư cách đại diện cho khu vực ASEAN tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các cơ quan liên quan, chúng tôi sẽ làm cầu nối của Liên Hợp Quốc với ASEAN để thực hiện, triển khai các chương trình, kế hoạch của ASEAN đồng bộ với những mục tiêu của Liên Hợp Quốc”.
Cũng theo ông, với vai trò kép này, vị thế, tiếng nói của Việt Nam có trọng lượng hơn, được quan tâm hơn nhưng đồng thời thách thức cũng lớn hơn. Do đó, Việt Nam chắc chắn sẽ phải phối hợp nhiều với các quốc gia, cả trong ASEAN, Hội đồng Bảo an và các nước khác trong Liên Hợp Quốc “để đảm bảo sự cân bằng, quan tâm thích đáng lợi ích của các bên phù hợp với xu hướng chung của thế giới”. “Đây là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để hoàn thành tốt” - ông nói.
Giải đáp quan tâm của báo giới về dự định của Việt Nam với vấn đề Biển Đông tại năm 2020, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho hay: “Trong thời gian tới, tất cả vấn đề gì liên quan tới 5 nội dung (mà các nước trong khu vực và quốc tế quan tâm tới Biển Đông - PV) sẽ được phản ánh trên bàn hội nghị, có thể tại cả ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”. Trước đó, ông nêu 5 nội dung mà các nước quan tâm về Biển Đông là: Hòa bình ổn định; Tự do, an toàn đi lại hàng hải, hàng không; Tuân thủ pháp luật, tuân thủ DOC, xây dựng COC; Tình hình trên thực địa; Tình hình hoạt động của ngư dân gồm hoạt động đánh cá và bảo hộ ngư dân.
Nói về lộ trình đàm phán COC trong năm 2020 khi Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, Thứ trưởng lưu ý: “COC đang là chương trình nghị sự ưu tiên của ASEAN và Trung Quốc. Cả ASEAN và Trung Quốc đều xác định là muốn đẩy nhanh tiến trình COC nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, các ưu tiên, lợi ích cũng như sự quan tâm của các bên có sự khác biệt. Do đó, có những phức tạp nhất định và cần thêm thời gian để thương lượng”.
“Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ đóng góp vào đẩy nhanh tiến trình này. Đẩy nhanh ở đây là có thể dành thêm thời gian cho đàm phán, tìm ra cách thức phù hợp để đẩy nhanh tiến trình đàm phán một cách hiệu quả hơn, đạt chất lượng cao hơn trong năm 2020” - ông Nguyễn Quốc Dũng nói.