Trẻ em thường gặp phải các tai nạn điện là do chạm tay trực tiếp vào ổ điện, vào dây điện trần hoặc dây điện bị hở; trẻ găm vật nhọn bằng kim loại vào ổ điện; dây điện bị đứt hở, rò rỉ; hoặc thiếu an toàn trong khâu thiết kế các loại ổ cắm điện…
Đây là những trường hợp cần lưu ý nhất khi gia đình có trẻ nhỏ, tuyệt đối không để các cháu lại gần hay tiếp xúc với những nơi có ổ điện.
Do đó, phụ huynh nên thường xuyên kiểm tra hệ thống điện trong gia đình, không để dây điện nằm trong tầm với của trẻ, sử dụng ổ cắm điện có màn chắn an toàn hoặc trang bị thêm nắp che ổ cắm điện.
Để phòng tránh tai nạn điện và đảm bảo an toàn cho trẻ em, phụ huynh cần tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp an toàn; lựa chọn thiết bị điện đảm bảo chất lượng, có nhãn hiệu của nhà sản xuất, không nên mua những sản phẩm giá rẻ, kém chất lượng; dây dẫn điện phải phù hợp với công suất sử dụng để tránh sự cố đứt, chập, cháy… vì một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến mất an toàn điện rất nguy hiểm.
Đặc biệt, mỗi gia đình nên lắp thiết bị bảo vệ trước các ổ cắm điện hay theo khu vực (tầng, phòng) để ngắt dòng điện khi xảy ra chạm chập, ngăn ngừa hỏa hoạn do điện, hoặc lắp aptomat chống giật chất lượng cao cho toàn bộ ngôi nhà. Thiết bị này giúp phát hiện sự cố nhanh, nhạy và có khả năng đóng ngắt tự động nhanh hơn loại aptomat thông thường.
Cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị, dây dẫn điện trong gia đình, nếu có dấu hiệu hư hỏng phải kịp thời sửa chữa, thay thế. Lưu ý khi trời mưa gây ngập nước, cần phải ngắt ngay nguồn điện trong gia đình, nguồn điện cung cấp cho các thiết bị sử dụng điện lắp đặt ngoài trời.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên thường xuyên nhờ thợ điện có chuyên môn kiểm tra các chỉ tiêu kỹ thuật như khả năng chịu nhiệt, khả năng chịu lửa và chịu cháy, kiểm tra độ bền của vật liệu nhựa dưới tác động của tia UV… để xác định các chỉ tiêu hoạt động an toàn.
Đặc biệt, cần cẩn trọng khi cho trẻ em sử dụng máy tính, điện thoại di động. Vì thời gian sử dụng kéo dài nên hầu hết các em phải vừa sạc điện vừa sử dụng thiết bị làm tăng nguy cơ mất an toàn điện.
Do đó, để tránh những tai nạn đáng tiếc, cần kiểm tra kỹ thiết bị trước khi đưa cho con trẻ sử dụng, thường xuyên quan sát, đồng hành để hỗ trợ con khi cần thiết.
Ngoài ra, bố mẹ cần trang bị cho con những kiến thức, kỹ năng cần thiết về an toàn điện; nhắc nhở con về nguy cơ điện giật; lưu ý trẻ không được tiếp xúc gần với ổ điện, dây dẫn điện hay các vật dụng có thể dẫn điện; đảm bảo khoảng cách với nguồn điện, khi có sự cố xảy ra cần nhờ sự trợ giúp của người lớn và tuyệt đối không tự ý sửa chữa.
"Tuyệt đối cẩn trọng và luôn để mắt tới trẻ em để hạn chế nguy cơ tai nạn điện", EVNHANOI nhấn mạnh.