Cập nhật giá vàng SJC
Biến động giá vàng nhẫn 9999
Tính đến 19h15' hôm nay 10.5, giá vàng nhẫn 9999 tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở ngưỡng 75,43-76,93 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với chốt phiên giao dịch hôm qua, giá vàng nhẫn được đơn vị này điều chỉnh tăng 410.000 đồng/lượng cả hai chiều mua vào và bán ra.
Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) niêm yết giá nhẫn tròn trơn 9999 ở ngưỡng 74,9-76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra); tăng 1,4 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,5 triệu đồng/lượng chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch hôm qua.
Giá vàng nhẫn tròn 9999 Hưng Thịnh Vượng tại Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI niêm yết ở ngưỡng 75,95-77,45 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
So với chốt phiên giao dịch hôm qua, giá vàng nhẫn được đơn vị này điều chỉnh tăng 2 triệu đồng/lượng chiều mua vào và tăng 1,9 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Giá vàng thế giới
Dự báo giá vàng
Giá vàng thế giới tăng cao trong bối cảnh chỉ số USD đi ngang. Ghi nhận lúc 19h20 ngày 10.5, chỉ số US Dollar Index đo lường biến động của đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt ở ngưỡng 105,135 điểm (tăng 0,02%).
Những phát ngôn gần đây của các quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy, nhiều khả năng đơn vị này không giảm lãi suất trong năm nay. Chia sẻ của các lãnh đạo FED về lãi suất khiến đồng USD đang có xu hướng mạnh lên, đồng nghĩa với việc vàng trở nên kém hấp dẫn.
Các chuyên gia cho rằng, lãi suất của Mỹ cao trong thời gian dài hơn là tín hiệu không tốt cho vàng, đẩy chi phí cơ hội khi đầu tư vào kim loại màu vàng tăng cao.
Ngoài ra, theo các nhà phân tích, những tác động từ bất ổn địa chính trị không còn hỗ trợ nhiều cho giá vàng.
Rhona O'Connell, chuyên gia phân tích của StoneX, dự báo những rủi ro địa chính trị và căng thẳng tiềm ẩn trong hệ thống ngân hàng là yếu tố quyết định tác động đến giá vàng tăng trong thời gian tới.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các quỹ giao dịch vàng (ETF) đã chứng kiến tổng cộng hơn 113 tấn chảy ra khỏi quỹ này trong quý I/2024. ETF vàng thường thu hút các quỹ đầu cơ từ các nhà đầu tư phương Tây. Tuy nhiên, lãi suất dài hạn tại Mỹ đã tăng lên, do đó, các nhà đầu tư dường như đã rút vốn khỏi vàng. Tuy nhiên, giá vàng vẫn tăng, dẫn đến những đồn thổi trên thị trường về danh tính của những người mua bí ẩn.
Theo WGC, nhu cầu vàng thỏi và vàng miếng của Trung Quốc trong quý I/2024 tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái lên 110,5 tấn.
Chủ tịch Tsutomu Kosuge của công ty nghiên cứu hàng hóa Marketedge có trụ sở chính tại Tokyo cho biết, đợt tăng giá lịch sử từ tháng 3-4.2024 là một ví dụ bất thường về nhu cầu vàng vật chất từ Trung Quốc đang đẩy thị trường lên cao.
Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm việc thao túng giá vàng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 65/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2024; trong đó nhấn mạnh tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đứng trước nhiều áp lực, thách thức trước tình hình giá vàng, giá USD trên thế giới tăng cao và giá dầu thô, một số hàng hóa cơ bản biến động mạnh, các yếu tố rủi ro gia tăng.
Tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn thấp do nhu cầu tín dụng và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, tiếp cận tín dụng còn hạn chế; tỉ lệ nợ xấu tiếp tục xu hướng tăng; tiến độ triển khai gói cho vay 120.000 tỉ đồng chưa đáp ứng kỳ vọng.
Các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản tuy được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và quốc tế còn chênh lệch ở mức cao.
Từ đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Theo dõi sát diễn biến thị trường ngoại tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường trong trường hợp cần thiết, cân đối hài hòa giữa điều hành tỉ giá và lãi suất. Tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động ngân hàng.
Chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng hiệu quả, khả thi, kịp thời, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của nền kinh tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...