Chiết khấu xăng dầu 0 đồng
Theo nhận định của các chuyên gia năng lượng, quyết định cắt giảm sản lượng khai thác của nhóm OPEC+ mới đây để "giành lại quyền định giá dầu thế giới" có thể đẩy giá dầu lên tới 100 USD/thùng, tác động đến nền kinh tế thế giới trong thời gian tới. Đáng nói, việc cắt giảm này có thể tác động đến các công ty lọc dầu và nguồn cung cho thị trường châu Á.
Các nhà máy lọc dầu ở Nhật Bản và Hàn Quốc cho biết, hiện chưa có kế hoạch mua dầu của Nga do những lo ngại về địa chính trị và có thể tìm kiếm các nguồn cung thay thế từ châu Phi và châu Mỹ Latinh. Tuy nhiên, việc vận chuyển dầu từ Mỹ qua kênh đào Panama cũng gia tăng nhiều chi phí, nên họ vẫn đang chần chừ.
Đối với thị trường trong nước, hai ngày qua, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu "khóc ròng" vì chiết khấu rất thấp, thậm chí âm nếu tính cả các chi phí vận chuyển từ cảng đến cửa hàng.
Cụ thể, ngày 6.4, một số thương nhân phân phối xăng dầu phía Bắc thông báo mức chiết khấu (lấy hàng tại kho, chưa bao gồm phí vận chuyển) từ 100 - 150 đồng/lít. Ở phía Nam, chiết khấu tại kho Nhà Bè và Cần Thơ khoảng 200 - 350 đồng/lít. Nếu tính trung bình phí vận chuyển 300 đồng/lít trong bán kính 150 km, nhiều cửa hàng bán lẻ cho biết, thù lao bán hàng đang khiến doanh nghiệp lỗ các chi phí bán hàng, lãi ngân hàng... một số nơi lỗ luôn cả phí vận chuyển.
Chủ doanh nghiệp bán lẻ sở hữu 3 cây xăng tại Vĩnh Phúc cho biết, ngày 6.4, nhà cung cấp báo chiết khấu xăng 250 đồng/lít, dầu 150 đồng/lít. So với tuần trước, mức này đã hạ sâu. "Chiết khấu duy trì được mức trên 1.000 đồng/lít được khoảng nửa tháng sau thời gian dài trồi sụt, giờ lại lao dốc, điệp khúc này chắc phá sản mất" - chủ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lo lắng.
Chiết khấu không đủ bù đắp chi phí kinh doanh khiến khâu bán lẻ chịu lỗ hơn 1 năm qua, cũng là câu chuyện gây tranh cãi kéo dài. Tại nhiều cuộc họp góp ý sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, đại diện các doanh nghiệp bán lẻ cho hay hơn 1 năm cầm cự họ bị lỗ cả nghìn tỉ đồng. Các doanh nghiệp bán lẻ đang kiến nghị cần quy định chiết khấu tối thiểu trong giá cơ sở, tỉ lệ 5-6% để họ đủ chi phí, duy trì kinh doanh.
Nghiên cứu kiến nghị về chiết khấu của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu
TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế - cho rằng, cắt chiết khấu đã tạo nên sự thua lỗ của các doanh nghiệp trong chuỗi kinh doanh xăng dầu. Ông cho rằng, sửa hay không sửa Nghị định 95 và Nghị định 83 thì cũng phải xử lý được bất cập này. Bộ Công Thương cũng từng yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối, phân phối điều chỉnh chiết khấu một cách hợp lý, để đảm bảo không bị gián đoạn nguồn cung trong hệ thống kinh doanh.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan thành lập ban soạn thảo, soạn dự thảo và xin ý kiến rộng rãi của các đối tượng có liên quan như Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp, các bộ, ngành... "Trong quá trình rà soát, sửa đổi này, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, trong đó có kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ về mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh. Chúng tôi khẳng định, những kiến nghị của các doanh nghiệp xăng dầu, cũng như các đối tượng khác, đang và sẽ được ban soạn thảo nghiên cứu kỹ lưỡng và dự thảo Nghị định sẽ được xây dựng trên cơ sở tiếp thu cao nhất ý kiến của các đối tượng chịu tác động và đáp ứng yêu cầu phù hợp với tình hình thực tiễn, công khai, minh bạch, hiệu quả và hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.