Giá vàng trong nước
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào bán ra ở mức 55,55-56,12 triệu đồng/lượng, chưa đổi so với kết phiên hôm qua.
Vàng Doji niêm yết giá vàng ở mức 55,4-56,25 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với chốt phiên gần nhất.
Giá vàng thế giới đang giao dịch ở ngưỡng 1898 USD/ounce. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 53,8 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 2,4 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Dự báo giá vàng
Trong năm 2021, vàng vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng giá khi mà nhiều gói kích thích dự kiến sẽ được các nước tung ra nhằm đưa nền kinh tế sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn vì COVID-19.
Tại Mỹ, chính quyền ông Joe Biden dự kiến sẽ chi tiêu mạnh hơn, qua đó sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho giá vàng.
Bên cạnh đó, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) duy trì những chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh tay và nợ liên bang Mỹ sẽ tạo áp lực lên đồng USD vào năm 2021.
Nhà phân tích Anna Golubova của kitco.com nhận định động lực tăng giá của vàng vẫn đang diễn ra. Đó là các gói kích thích kinh tế, chính sách tiền tệ nới lỏng của nhiều quốc gia, đồng USD suy yếu, lo ngại lạm phát gia tăng và tiền giảm giá.
Tuy vậy, một số ngân hàng trung ương cảnh báo các tài sản trú ẩn truyền thống có thể sẽ gặp khó khăn để duy trì đà tăng giá. Vàng có thể sẽ chịu áp lực trong năm 2021 khi thị trường tài chính bình thường hóa và lãi suất tăng lên.
Các nhà phân tích và theo dõi xu hướng hầu hết đều cho rằng diễn biến của thị trường vàng sẽ phụ thuộc nhiều vào hoạt động ngăn chặn đại dịch lây lan, cũng như bất kỳ đợt bùng phát nào khác bắt nguồn từ biến thể của virus SARS-CoV-2.
Trong trường hợp đại dịch được khống chế thành công, các nhà đầu tư sẽ ưa chuộng các tài sản rủi ro hơn và qua đó tạo áp lực đi xuống đối với giá vàng. Ngược lại, nếu cuộc khủng hoảng COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, giới đầu tư sẽ đổ xô đến các tài sản trú ẩn an toàn và giá vàng có thể sẽ tăng.
Song dù tăng hay giảm, vàng sẽ vẫn là tâm điểm của các nhà đầu tư trong năm 2021. Nguyên nhân là do các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã cam kết giữ lãi suất ở mức thấp trong khi duy trì thanh khoản dễ dàng để hỗ trợ tăng trưởng.