Lãi suất có dấu hiệu hạ nhiệt
Thực tế từ tháng 9.2022, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại bắt đầu vào cuộc đua. Lãi suất đạt đỉnh 13,25% tại một đơn vị có quy mô nhỏ. Tuy nhiên, chỉ những khách hàng quen thuộc, có khoản tiền gửi trên 5 tỉ đồng mới nhận được ưu đãi này.
Trước sức nóng của lãi suất huy động, tới ngày 15.12, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) tổ chức cuộc họp về thanh khoản. Theo đó, VNBA kêu gọi các thành viên chung tay, chia sẻ với nhau để đảm bảo thanh khoản cho cả hệ thống, đồng thời đưa mặt bằng lãi suất xuống dưới 9,5%/năm.
Trong khi đó, Phó Thống đốc Thường trực NHNN VN Đào Minh Tú khẳng định NHNN đã yêu cầu ngành ngân hàng phải giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Phó Thống đốc nhấn mạnh đây là chỉ đạo, không phải kêu gọi.
Vài ngày sau thông báo của Phó Thống đốc Đào Minh Tú, một số đơn vị đã tiên phong giảm lãi suất huy động như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaovietBank)…
Trong đó, đáng chú ý nhất là Saigonbank. Trước đây, Saigonbank thường xuyên nằm trong Top 3 ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất với mức lên tới 10,5%/năm (kỳ hạn 13 tháng). Tuy nhiên, kể từ 20.12, mức này được điều chỉnh giảm xuống chỉ còn 9,5%/năm. Cùng ngày, BaovietBank điều chỉnh lãi suất huy động cao nhất từ 10,3%/năm xuống 9,4%/năm (kỳ hạn 12 tháng). Lãi suất ở kỳ hạn 6 tháng giảm xuống còn 8,8%/năm. Mức cao nhất tại MSB và OceanBank giảm từ 9,4% xuống 9% và từ 9,5%/năm xuống 9,2%/năm.
Trong khi đó, ngày càng nhiều đơn vị công bố giảm lãi suất cho vay. Mới nhất, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) công bố từ tháng 12.2022 đến hết 31.3.2023, khách hàng cá nhân vay với mục đích sản xuất kinh doanh, bổ sung vốn lưu động, trồng trọt, chăn nuôi, sẽ được áp dụng lãi suất ưu đãi ở mức 8,99%/năm.
Trước đó, nhiều đơn vị khác cũng đã giảm lãi suất cho vay như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)…
Vẫn nhiều nơi áp dụng lãi suất 10%/năm
Dù vậy, hiện tại, vẫn nhiều đơn vị áp dụng lãi suất huy động trên, dưới 10%/năm. Đáng chú ý nhất là MSB. Như đã nêu trên, trên biểu niêm yết của MSB, mức lãi suất cao nhất giảm từ 9,4%/năm xuống 9%/năm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tới sáng 22.12, tại một số Chi nhánh, Phòng giao dịch của MSB, biểu lãi suất được “giới thiệu” trên tấm biển đặt bên ngoài ngân hàng vẫn ghi nhận mức rất cao, lên tới 11%/năm.
Trong khi đó, gần trưa 22.12, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) vẫn chưa thay đổi biểu lãi suất được công bố trên website của ngân hàng. Biểu niêm yết này được áp dụng từ ngày 28.11.2022. Theo đó, 9,85%/năm là lãi suất cao nhất tại DongA Bank (kỳ hạn từ 13 tháng tới 36 tháng).
Đây chưa phải con số cuối cùng, DongABank còn có thêm chính sách ưu đãi khủng. Theo đó, những khoản tiền gửi trị giá trên 500 tỉ đồng sẽ được cộng thêm 1,1%/năm, nâng mức cao nhất lên tới 10,95%/năm.
Tại một số phòng giao dịch của Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank), tấm biển giới thiệu lãi suất cao nhất lên đến 10%/năm. Mức này được áp dụng trong suốt thời gian dài qua.
Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng duy trì lãi suất sát 10%/năm. Cụ thể, trong nhiều tuần liền, mức huy động cao nhất tại SCB lên tới 9,95%/năm.
Có thể thấy, cho đến thời điểm hiện tại, rất nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Tuy nhiên, trước những động thái chưa ngừng tăng lãi suất từ các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng T.Ư Châu Âu (ECB)… lãi suất tiền đồng vẫn được Công ty chứng khoán ACBS và Công ty chứng khoán VCBS dự báo tiếp tục đi lên trong năm 2023.