QL30 là tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh Đồng Tháp, đồng thời là tuyến giao thông quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sau mấy chục năm khai thác, QL30 đã xuống cấp nặng, trong khi mặt đường thì quá nhỏ hẹp không đáp ứng nhu cầu giao thông, vận tải ngày càng phát triển.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư các công trình giao thông, Bộ GTVT và UBND tỉnh Đồng Tháp đã thống nhất đầu tư tuyến QL30 theo hình thức hợp đồng BOT. Dự án được triển khai năm 2015, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được thi công xây dựng do năng lực nhà đầu tư có giới hạn và việc phê duyệt khung chính sách giải phóng mặt bằng cho các hộ dân bị ảnh hưởng còn nhiều bất cập.
Trong khi đó, dư luận xã hội nhìn chung không ủng hộ việc cải tạo, nâng cấp tuyến đường đã có sẵn rồi thu phí. Quốc hội cũng vừa ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác công trình giao thông theo hình thức BOT. Đặc biệt, thời gian qua nhiều dự án BOT nâng cấp con đường có sẵn rồi thu phí đã gặp sự phản ứng của người dân; trong đó BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) là phức tạp nhất. Mà BOT Cai Lậy thì cách không xa dự án BOT tuyến QL30.
Cùng với việc kiến nghị cho dừng Dự án BOT QL30 đoạn An Hữu - Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng kiến nghị ngành GTVT chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nhanh chóng duy tu, sửa chữa mặt đường tuyến QL30 hiện hữu nhằm đảm bảo giao thông thuận tiện và an toàn; đặc biệt là trong dịp lễ, tết năm 2018. Cùng với đó, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đề nghị Bộ GTVT cho nghiên cứu Dự án đường cấp cao An Hữu - Cao Lãnh song hành với tuyến QL30 hiện hữu. Có con đường cấp cao này (chỉ có thể đầu tư theo hình thức BOT), người dân được quyền lựa chọn được đi trên đường chất lượng cao (có thu phí) hoặc đi miễn phí trên QL30 cũ. Từ đó mà không bao giờ có thêm một sự cố kiểu “BOT Cai Lậy”.