Theo CNN, “kim bài miễn tử” của các ông lớn công nghệ sẽ được đưa ra tranh luận trước Toà án Tối cao Mỹ.
Trọng tâm của sự kiện là Điều 230, một đạo luật từng bị Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ chỉ trích gay gắt vì bảo vệ vô điều kiện hoạt động của các trang mạng xã hội.
Gia đình Gonzalez có người thiệt mạng trong cuộc tấn công của nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Paris năm 2015 cho rằng, nếu không có Twitter, Facebook và YouTube, IS sẽ không thể tuyên truyền sự tiêu cực và công khai kết nạp thành viên mới.
Trong khi đó, gia đình của Nawras Alassaf - người thiệt mạng trong cuộc tấn công của IS tại Istanbul năm 2017 - đã khởi kiện Twitter vi phạm luật chống khủng bố bằng cách cố tình hỗ trợ IS.
gia đình nạn nhân cho rằng, Twitter đã cho phép hiển thị một số nội dung của các nhóm khủng bố thay vì hạn chế như chính sách đề ra.
Cả Twitter, Facebook và YouTube đều viện dẫn Điều 230 để miễn trừ trách nhiệm trong vụ kiện.
Nếu Điều 230 bị loại bỏ hoặc diễn giải lại bởi Tòa án Tối cao Mỹ trong hai vụ kiện trên, các công ty mạng xã hội có thể phải chịu trách nhiệm về các nội dung trên nền tảng.
Twitter, Facebook, Google và các bên liên quan đến vụ kiện đã trích dẫn Điều 230 năm 1996 trong Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông như một phần của lập luận.
Từ “tấm khiên” pháp lý, các ông lớn công nghệ giải thích rằng, họ chỉ vô tình lưu trữ hoặc đề xuất nội dung khủng bố theo thuật toán.
Thông qua vào năm 1996, Điều 230 trong Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông được đưa ra với mục đích nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp.
Văn bản đạo luật thừa nhận Internet đang trong giai đoạn sơ khai và có nguy cơ bị bóp nghẹt nếu chủ sở hữu trang web bị kiện bởi nội dung mà người dùng đã đăng.
Theo Điều 230, các nền tảng mạng xã hội được miễn trừ trong vấn đề kiểm duyệt nội dung với điều kiện họ sẽ gỡ bỏ bài viết tiêu cực hoặc bất hợp pháp.
Nói một cách dễ hiểu, bất kỳ xử phạt pháp lý nào liên quan đến đăng tải bài viết đều do người tạo ra nội dung chịu trách nhiệm, không liên quan đến nền tảng mạng xã hội.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những người chỉ trích Điều 230 ngày càng nhiều.
Công chúng đặt câu hỏi về phạm vi của luật và đề xuất hạn chế đối với trường hợp mà các trang web có thể sử dụng lá chắn pháp lý.
Những người bảo thủ cho rằng, “tấm khiên” pháp lý của Big Tech cho phép các nền tảng truyền thông xã hội đàn áp quan điểm cực hữu vì lý do chính trị.
Chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã cố gắng biến một số lời chỉ trích thành chính sách cụ thể và có hiệu quả đáng kể.
Năm 2020, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố đề xuất lập pháp về những thay đổi đối với Điều 230 nhằm tạo ra một bài kiểm tra cho các trang web tìm kiếm sự bảo vệ của pháp luật.
Cùng năm đó, Nhà Trắng đã ban hành một sắc lệnh hành pháp kêu gọi Ủy ban Truyền thông Liên bang diễn giải Mục 230 theo một cách hạn hẹp hơn.
Nền tảng truyền thông xã hội Reddit đã lập luận trong một bản tóm tắt của Tòa án Tối cao rằng, nếu Điều 230 bị thu hẹp thì người dùng Internet bị kiện vì hành vi trực tuyến sẽ tăng đáng kể. “Đề xuất là điều khiến Reddit trở thành một nơi sôi động”, một số người điều hành Reddit viết.
Mặc dù các cuộc tranh luận bằng miệng sẽ không đưa Điều 230 đến cái kết cuối cùng.
Tuy nhiên, kết quả của các vụ kiện tụng có thể dẫn đến những thay đổi quan trọng mà Internet chưa từng chứng kiến trước đây - theo hướng tích cực hoặc tồi tệ hơn.