Tuổi nghỉ hưu theo luật định có sự khác biệt giữa các quốc gia. Có các thông lệ khác nhau ở mỗi quốc gia - theo bộ dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Báo cáo Tổng quan về hưu trí.
Theo Euronews, hai báo cáo sử dụng số liệu năm 2020 - dữ liệu mới nhất hiện có phân tích tuổi nghỉ hưu hiện tại và tương lai đối với những người tham gia lực lượng lao động từ năm 22 tuổi tại châu Âu.
Tuổi nghỉ hưu ở châu Âu thế nào?
Tuổi nghỉ hưu hiện tại gồm hai loại: nghỉ hưu sớm và nghỉ hưu theo luật định. Đối với nam giới, tuổi nghỉ hưu sớm thay đổi từ 59 tuổi ở Lithuania đến 63,7 tuổi ở Đức, theo báo cáo của OECD. Đối với nữ giới, tuổi nghỉ hưu sớm dao động từ 58 tuổi ở Lithuania đến 63,7 tuổi ở Đức.
Ở Pháp, tuổi nghỉ hưu sớm là 62 tuổi đối với cả nam và nữ, song mới đây Thượng viện Pháp đã thông qua kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu thêm 2 năm, lên 64 tuổi.
Trên thực tế, 62 tuổi là tuổi nghỉ hưu sớm ở gần một nửa số quốc gia châu Âu, bao gồm Thụy Điển, Bồ Đào Nha, Na Uy, Italy, Hy Lạp và Áo.
Tuổi nghỉ hưu thực tế đa dạng hơn so với tuổi nghỉ hưu sớm và phản ánh sát với tuổi nghỉ hưu bắt buộc. Đối với nam giới dao động từ 52 tuổi ở Thổ Nhĩ Kỳ đến 67 tuổi ở Na Uy và Iceland.
Đối với phụ nữ, ở Thổ Nhĩ Kỳ là 49 tuổi, trong khi Na Uy và Iceland có tuổi nghỉ hưu cao nhất là 67 tuổi.
Pháp có tuổi nghỉ hưu cao hơn EU không?
Tuổi nghỉ hưu thực tế trung bình của EU là 64,3 tuổi đối với nam và 63,5 tuổi đối với nữ.
Ở Pháp, tuổi nghỉ hưu thực tế là 64,5 tuổi đối với cả nam và nữ, theo bộ dữ liệu của OECD.
Điều này có nghĩa là Pháp có tuổi nghỉ hưu cao hơn một chút so với mức trung bình của EU. Tuy nhiên, tuổi này vẫn thấp hơn so với một số thành viên khác trong khối, chẳng hạn như Đức là 65,7 tuổi đối với cả nam và nữ.
Ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, tuổi nghỉ hưu tối thiểu thực tế trên khắp châu Âu là 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.
Tuổi nghỉ hưu thực tế là từ 65 tuổi trở lên ở hầu hết các quốc gia Châu Âu nơi có dữ liệu của OECD.
Trong số các quốc gia thành viên EU, Hy Lạp, Italy, Luxembourg và Slovenia có tuổi nghỉ hưu thực tế thấp nhất hiện nay, với 62 tuổi cho cả nam và nữ.
Tuổi thọ sau khi về hưu tăng đáng kể
Tuổi thọ sau khi nghỉ hưu - được đo từ lúc rời khỏi thị trường lao động - đã tăng lên đáng kể theo thời gian.
Năm 1970, nam giới ở các nước OECD có tuổi thọ trung bình 12 năm sau khi rời khỏi thị trường lao động, trong khi năm 2020 con số này là 19,5 năm.
Tuổi thọ của phụ nữ khi rời khỏi thị trường lao động bắt đầu cao hơn rõ rệt, trung bình ở mức 16 năm trong OECD vào năm 1970.
Con số này đã tăng lên 23,8 năm vào năm 2020, trong khi khoảng cách giữa nam và nữ cũng tăng nhẹ.
Phụ nữ được cho là sẽ sống lâu hơn nam giới 4 năm sau khi nghỉ hưu
Khoảng cách về tuổi thọ giữa phụ nữ và nam giới sau khi về hưu dao động từ 2 năm ở Ireland đến 7,5 năm ở Cyprus.
Đến năm 2020, phụ nữ châu Âu có thể sống thêm 4,3 năm so với nam giới sau khi họ rời thị trường lao động.
Trong khi mức trung bình của EU là 4,6 năm thì ở Pháp, khoảng cách giữa nữ và nam là 3,6 năm.
Tuổi thọ sau khi nghỉ hưu cho cả hai giới rất khác nhau trên khắp châu Âu. Đối với nam giới sẽ dao động từ 14 tuổi ở Latvia đến 24 tuổi ở Luxembourg.
Đối với nữ giới là 18,9 năm ở Latvia đến 28,4 năm ở Hy Lạp. Phụ nữ sống thêm khoảng 26 năm trở lên sau khi nghỉ hưu ở Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Italy, Luxembourg và Tây Ban Nha.
Tuổi nghỉ hưu vào năm 2060 sẽ là bao nhiêu?
OECD ước tính rằng tuổi nghỉ hưu thông thường sẽ tăng trung bình khoảng hai năm vào giữa những năm 2060 ở các quốc gia thuộc tổ chức này.
Đan Mạch được dự đoán là có tuổi nghỉ hưu cao nhất, 74 đối với cả nam và nữ. Ở nhiều quốc gia, tuổi nghỉ hưu thực tế trong tương lai có thể vào khoảng 65 hoặc thậm chí 66 tuổi.
Tại EU, tuổi nghỉ hưu dự kiến là 66,1 tuổi đối với nam và 65,9 tuổi đối với nữ vào năm 2060. Tại Pháp, tuổi nghỉ hưu dự kiến sẽ lên mức 66 đối với cả nam và nữ.