Phương án 2+2 giảm bớt gánh nặng thi cử cho thí sinh
Năm 2025 là năm đầu tiên lứa học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, số môn thi, phương án và cách thức tổ chức thi đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của học sinh, giáo viên cả nước.
Ủng hộ phương án thi 2+2, em Lê Nguyễn Hương Giang - học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) cho rằng, việc thi 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) là phù hợp với học sinh và tạo thế cân bằng cho các tổ hợp xét tuyển.
“Chỉ còn hơn một năm nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, học sinh chúng em mong muốn giảm số môn thi bắt buộc ít nhất có thể nhằm giảm bớt gánh nặng áp lực thi cử và có thời gian ôn tập môn học theo định hướng ngành nghề phù hợp với bản thân” - Hương Giang nói.
Nữ sinh chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, tiếng Anh là cần thiết, tuy nhiên, mỗi học sinh có khả năng tiếp thu và học ngoại ngữ khác nhau, vì vậy, Hương Giang nghĩ ngoại ngữ nên là môn thi lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Đồng tình với phương án trên, em Đức Duy - học sinh Trường THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng (Hà Nội) - cho rằng, phương án 2+2 tạo sự công bằng cho học sinh cả nước khi tham gia kỳ thi quan trọng.
"Toán và Ngữ văn là 2 môn cần thiết và học sinh nào cũng cần phải học, có thể ứng dụng rộng rãi trong đời sống. Tuy nhiên, các môn ngoại ngữ không phải vùng miền nào cũng có khả năng tiếp cận và tiềm lực để dạy và học tốt, các bạn vùng cao sẽ khó khăn hơn đô thị. Vì vậy, ngoại ngữ là môn lựa chọn sẽ tạo sự công bằng cho học sinh cả nước" - Duy nói.
Nên bỏ tiếng Anh khỏi môn thi bắt buộc
Trao đổi với phóng viên về vấn đề tiếng Anh nên là môn bắt buộc hay lựa chọn, thầy Nguyễn Văn Châu - giáo viên Trường THPT Hùng Vương (Bình Phước) cho biết, đội ngũ giáo viên ở nhiều trường miền núi chưa đủ số lượng và đồng bộ. Đặc biệt, khả năng, cơ hội tiếp xúc ngoại ngữ của học sinh vẫn còn nhiều hạn chế.
“Tiếng Anh nên là môn thi lựa chọn thay vì bắt buộc. Tại nhiều địa phương khó khăn hoặc học sinh không có nguyện vọng làm việc trong khu vực có yếu tố quốc tế, nhiều em có xu hướng học tiếng Anh với tinh thần hời hợt, chỉ học cho có" - thầy Châu chia sẻ.
Giáo viên này cho rằng, phương án 2+2 với 2 môn thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn theo năng lực, sở trường vừa có thể đánh giá đúng năng lực và phẩm chất người học, vừa đảm bảo đúng theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đề ra.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cũng ủng hộ phương án 2+2.
“Phương án 2+2 là phương án tốt nhất, hợp lý nhất, chúng ta không lo các em không thi sẽ không học. Bởi ngay từ khi vào bậc THPT, các em đã được lựa chọn các môn học yêu thích, phù hợp với năng lực sở trường, đáp ứng định hướng nghề nghiệp của bản thân trong tương lai” - TS Tùng Lâm nhận định.