Chọn ngành trước, chọn trường sau
Với các sĩ tử tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) - đưa ra lời khuyên, với xu hướng đào tạo đa ngành, xuyên ngành thì việc các em học một ngành nhưng sau này có thể làm nhiều nghề khác nhau. Điều quan trọng nhất là các em chọn ngành mà mình thực sự yêu thích.
Sau khi chọn ngành, các em hãy chọn đến trường, cơ sở đào tạo. Sự lựa chọn này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ uy tín, chất lượng đào tạo, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị... Sau đó cân nhắc đến những yếu tố khác ví dụ như vị trí địa lý của nhà trường, điều kiện tài chính của gia đình có phù hợp hay không.
"Khi đã xác định được ngành nghề mà chúng ta sẽ theo đuổi, cống hiến, tâm huyết với nó sẽ tạo ra động lực để thực hiện ước muốn. Tiếp theo sau đó mới lựa chọn trường phù hợp trong các trường đào tạo ngành nghề đó" - PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ nói.
Dành lời khuyên cho thí sinh, TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, xác định kỹ đâu là điểm mạnh và hạn chế của bản thân sẽ giúp các em lựa chọn được ngành nghề phù hợp.
Một điểm đặc biệt quan trọng là thí sinh nên chọn ngành trước khi chọn trường. Bởi lẽ, hiện nay, các trường hầu hết đều đào tạo đa ngành, đa nghề. Vì vậy, các em hoàn toàn có thể chọn được ngành nghề yêu thích tại một ngôi trường tốt nhất có thể và phù hợp với năng lực của bản thân".
Chọn trường danh tiếng cũng là lựa chọn tốt
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM lại ủng hộ thí sinh chọn ngôi trường danh tiếng. PGS Bảo cho rằng, chọn một trường có bề dày lịch sử đào tạo, chất lượng đã được khẳng định là một lựa chọn tốt. Bởi không phải ngẫu nhiên một số trường đại học có được danh tiếng.
Bên cạnh đó, phải chọn ngành nghề phù hợp với bản thân là đúng, nhưng rất khó. Chúng ta cứ nghĩ nghề đó phù hợp với bản thân, nhưng có chắc nó phù hợp không? Quan điểm chọn một trường danh tiếng đa ngành nghề, đa lĩnh vực không có gì sai, hoàn toàn phù hợp với xu hướng đào tạo tích hợp như hiện nay.
"Với sự bùng nổ của công nghệ, sự tích hợp và liên ngành trong đào tạo khiến việc chọn ngành nghề có sự thay đổi. Ví dụ, ngành Công nghệ thông tin còn tích hợp công nghệ đổi mới sáng tạo; không phải chỉ học marketing mới làm marketing, những người học công nghệ, thiết kế đồ họa vẫn làm marketing được.
Tôi vẫn ủng hộ các bạn chọn ngôi trường danh tiếng, quan trọng các bạn có vào được trường đó không" - PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo bày tỏ quan điểm.
Thay đổi phù hợp với xu hướng
Thấu hiểu tâm lý sĩ tử, PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương cho rằng - hiện nay nhiều bạn đang lo lắng về việc công nghệ khiến cho một số ngành biến mất hoặc lo lắng thái quá về việc thất nghiệp với chính ngành mình đang học.
Nhưng thí sinh cần vững tâm về việc, khi một ngành ra đời, các trường đại học vẫn tuyển sinh và đào tạo thì các ngành đó đều cần thiết. Tuy nhiên, thí sinh cần tỉnh táo vì cấu trúc việc làm trong một ngành sẽ có sự thay đổi do tác động của các yếu tố xã hội và công nghệ.
"Điều quan trọng là các bạn cần thích ứng và nhanh nhạy. Việc tích lũy kiến thức, kỹ năng cần đáp ứng trong bối cảnh mới là rất quan trọng. Đồng thời cần cập nhật kịp thời tâm thế, thái độ, trách nhiệm với công việc để có sự chuyển đổi phù hợp với xu hướng" - PGS Hiền đưa ra lời khuyên.