Nhà trưng bày... công nghệ
Trước giờ khánh thành, tôi thật may mắn được đích thân chị Vũ Quyên, Giám đốc Di tích Nguyễn Sinh Sắc hướng dẫn tìm hiểu. Nằm nép mình trong khuôn viên Di tích Nguyễn Sinh Sắc (TP.Cao Lãnh), Nhà trưng bày Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cách mạng Việt Nam không có sự hoành tráng về quy mô, cầu kỳ về kiến trúc, thế nhưng ngay sau khi đặt bước chân đầu tiên tôi đã choáng ngợp trước sự hoành tráng của tư liệu, hiện vật...
“Nhà trưng bày có diện tích 600m2 với trên 200 hình ảnh, hiện vật, được trưng bày theo 6 chuyên đề phản ánh một cách hệ thống cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với từng giai đoạn lịch sử của dân tộc”, chị Quyên giới thiệu.
Tại mỗi chuyên đề, có điểm nhấn để người xem hình dung được cốt lõi của lịch sử. Thí dụ như chuyên đề 1 “Thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình đi tìm đường cứu nước (1890-1930), có thiết kế mô hình Bến Nhà Rồng và con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (Amiral Latouche Tréville). Nhưng bao trùm tất cả vẫn là cách phối các hiện vật lịch sử gắn liền với hình ảnh giản dị của người lãnh tụ vĩ đại luôn hướng trái tim về miền Nam ruột thịt. Đó là không chỉ là bộ đồ kaki, đôi guốc mộc Bác thường dùng... mà còn là chiếc thùng mà Bác thường dùng để tưới cây vú sữa của đồng bào miền Nam gửi ra tặng Người...
“Mọi người còn dễ dàng khám phá cả thế giới tư liệu về Bác thông qua hệ thống công nghệ được thiết kế thẩm mỹ theo từng chuyên đề” - chị Quyên khiến tôi thêm tò mò với kho tư liệu từ ứng dụng công nghệ trong nhà Trưng bày. Theo đó, bên cạnh hệ thống chiếu màn hình rộng và màn hình led để phục vụ các đoàn khách đông người, tại mỗi chuyên đề còn có hệ thống màn hình được kết nối Internet để các thuyết minh viên “công chiếu” hình ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp Cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Rất tình cờ, ông Lê Minh Trung, Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng đến để rà soát công việc thuộc chức năng của đơn vị. Sau khi đi một vòng, ông Trung bày tỏ hài lòng: “Đây là công trình nhà trưng bày đầu tiên ở Đồng Tháp có sự phối hợp hài hòa giữa truyền thống với kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Vì thế không chỉ đầy đủ mà còn có thêm sự sinh động, hấp dẫn”.
Biểu tượng của lịch sử - văn hóa và nhân văn
“Để có Nhà trưng bày hôm nay, chúng tôi đã trải qua quá trình bàn thảo, tranh luận đầy trách nhiệm” - ông Lê Minh Trung nói. Theo ông Trung, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp luôn mong muốn có công trình tưởng niệm Bác. Đây là thuận lợi, nhưng cũng là thách thức lớn cho những người triển khai thực hiện. “Đồng Tháp có di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế nếu xây công trình Đền thờ về Bác sẽ dễ lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan” ông Trung nhấn mạnh - “Nếu xây Đền thờ Bác to hơn Đền thờ cụ Phó bảng thì khó đảm bảo yếu tố truyền thống uống nước nhớ nguồn. Nhưng nếu xây Đền thờ Bác nhỏ quá thì không đảm bảo tính trang nghiêm và đáp ứng nhu cầu thăm viếng của người dân trong và ngoài tỉnh...”.
Sau thời gian bàn luận, tập thể lãnh đạo Đồng Tháp tổ chức đoàn tham quan thực tế, từ đó đi đến quyết định: Xây dựng Nhà trưng bày thay cho công trình Đền thờ theo dự kiến trước đó. Trong đó có việc ứng dụng công nghệ để lưu trữ, trưng bày theo công nghệ. Quyết định này tạo điều kiện cho ngành chức năng triển khai các ý tưởng để mỗi hạng mục ở đây phát huy tối đa công năng sử dụng lẫn chiều sâu văn hóa.
Theo đó, bên ngoài thiết kế đắp nổi hoa văn sen - sếu. Đây vừa là biểu tượng từ giống cây- con đặc hữu của vùng đất, vừa thể hiện tấm lòng thuần khiết của Đồng Tháp luôn mong muốn ôm trọn vào lòng nguồn tư liệu về Người bên trong... Nhà trưng bày rộng 600m2. Bên trong trưng bày đúng 6 chuyên đề về Bác. Và có sự trùng khớp ngẫu nhiên là Nhà trưng bày này được khánh thành vào thời điểm mà tổng các con số kỷ niệm Ngày sinh của Bác lại vừa tròn 6 (132).
6 chuyên đề trưng bày:
1: Thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hành trình đi tìm đường cứu nước (1890 - 1930)
2: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập chính Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam (1930 - 1945)
3: Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo Cách mạng Tháng 8 thắng lợi và sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
4: Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954).
5: Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo xây dựng cách mạng XHCN ở miền Bắc và đấu tranh chống Đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc (1954 - 1969).
6: Đảng bộ, nhân dân Đồng Tháp học tập và làm theo Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định: Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc. Không chỉ ghi nhớ những cống hiến to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay thể hiện sự kính trọng vô bờ bến và tình cảm sâu nặng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Tháp đối với Bác, mà còn là “địa chỉ đỏ” góp phần tuyên tuyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hơn thế nữa, công trình còn góp phần phát huy, lan tỏa giá trị của Di tích Nguyễn Sinh Sắc - một tấm gương hiếu học, một nhà nho yêu nước, thương dân, người có công sinh thành, giáo dục, hình thành một nhân cách lớn, một danh nhân văn hóa thế giới, một lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc ta.