Bộ phim “Thành phố ngủ gật” được xếp vào dòng phim tác giả với ngôn ngữ điện ảnh mang đậm chất cá nhân. Những tác phẩm thuộc dòng này có thể khiến đạo diễn hài lòng, thỏa mãn cái tôi sáng tạo, nhưng sẽ là thách thức lớn với thị hiếu số đông khán giả. Anh lường trước việc này như thế nào?
Bộ phim “Thành phố ngủ gật” là một tác phẩm mà tôi tìm cách lý giải tâm lý của nhân vật thông qua các hình ảnh trộn lẫn trần trụi, bạo lực và giản dị.
Tôi muốn chia sẻ tới khán giả một hương vị mới của ngôn ngữ điện ảnh hiện đại nhưng gần gũi và ai cũng cảm thấy mình ở trong đó.
Điều này bao gồm việc áp dụng những kỹ thuật điện ảnh độc đáo, khám phá những tình cảm, ý nghĩa sâu sắc thông qua câu chuyện của phim. Tôi tin bộ phim sẽ kích thích sự tò mò, suy ngẫm từ phía khán giả.
“Thành phố ngủ gật” ngay từ đầu cũng chỉ hướng tới những người yêu thích dòng phim gai góc, sẵn sàng khám phá sự khác biệt.
Hơn nữa, khán giả đầu tiên của bộ phim đó chính là tôi. Trước khi mang bộ phim đến khán giả, tôi phải làm bộ phim mà tôi hài lòng trước. Và nếu khán giả yêu mến bộ phim, đó thực sự là niềm cảm kích với tôi.
Ngoài việc thể hiện tâm huyết đối với việc làm phim, thực tế, “Thành phố ngủ gật" là một bước mở màn được tính toán kỹ lưỡng cho 2 dự án phim kinh dị tiếp theo của tôi là “Đồi hành xác" và "Mật mã 45. Ma đói", với mục tiêu doanh thu khổng lồ và phải bán được ở hơn 70 quốc gia.
Sẽ có nhiều người đặt dấu hỏi về doanh thu các phim do anh đạo diễn, bởi trong suốt hành trình của mình, dường như anh làm phim chỉ vì... đam mê?
Quan điểm nhất quán của tôi, phim thì cần có yếu tố nghệ thuật nhưng phải thành công khi ra rạp. Vì vậy, việc thực hiện dự án phải đi cùng với khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Điều này đồng nghĩa rằng tôi phải luôn cân nhắc giữa việc duy trì niềm đam mê làm phim và việc tạo ra những tác phẩm có khả năng thu hút đông đảo khán giả.
Tôi không bao giờ từ bỏ niềm đam mê làm phim, nhưng tôi cũng cố gắng thấu hiểu, đáp ứng nhu cầu của thị trường điện ảnh. Mỗi dự án là một cơ hội để tôi thể hiện sáng tạo với những câu chuyện mà tôi muốn chia sẻ với khán giả.
Mục tiêu của tôi là trở thành một Nhà làm phim và Nhà sản xuất phim lớn. Giai đoạn đầu, đôi lúc tôi phải chấp nhận những cản trở. Cho đến hiện tại các kế hoạch của tôi đặt ra vẫn duy trì tốc độ.
Nhiều người cũng đồn tôi có “bí mật” phía sau. Tất nhiên, ai cũng có bí mật và tôi xin phép không chia sẻ một cách rõ ràng ở đây.
“Thành phố ngủ gật” ra rạp sẽ đụng độ với bộ phim dày đặc ngôi sao là “Đất rừng phương Nam”. Anh nghĩ doanh thu phim sẽ thế nào?
“Thành phố ngủ gật” có một con đường đi khác, giản dị và rõ ràng mục tiêu.
Với tôi, tôi coi việc làm phim như một sự trân trọng trong cách lý giải ngôn ngữ điện ảnh hơn là một cuộc cạnh tranh.
Tôi không cố gắng so sánh với các bộ phim khác vì mục tiêu chính là thể hiện sự sáng tạo và chia sẻ câu chuyện của mình.
Trong ngành điện ảnh, mỗi bộ phim có một con đường riêng và không cần phải đụng độ với nhau. Mọi sự va chạm thường là do mọi người tự tạo ra. Tôi đang đi một con đường khác.
Tôi mong các bộ phim Việt đều được khán giả đón xem và duy trì tôn trọng đối với công sức của các đồng nghiệp khác.
Tuy nhiên, tôi cũng không ngại va chạm với bất kỳ bộ phim nào nếu cần thiết để bảo vệ bộ phim của mình.
Cuối cùng, tôi tin rằng điện ảnh là một nguồn cảm hứng và kỳ diệu, chúng ta cùng nhau tạo nên sự đa dạng trong nghệ thuật này.
“Thành phố ngủ gật” gây sốc với cách làm phim kỳ lạ. Phía sau mọi cú máy gai góc, mọi cách đánh sáng và chơi màu sắc, vẫn có thể thấy, thứ khiến đạo diễn ám ảnh nhất, vẫn là thân phận con người. Xem xong phim, sẽ thấy ý tưởng “quái đản” từ kịch bản, đến đạo diễn. Vì sao anh có “Thành phố ngủ gật”?
Câu chuyện, nhân vật trong “Thành phố ngủ gật” xuất phát từ sự lôi cuốn của thực tại và những khía cạnh kỳ lạ của cuộc sống va chạm hàng ngày.
Phim là một cách để tôi thể hiện sự đa dạng của thế giới và nhấn mạnh rằng, bất kể thân phận con người hay hoàn cảnh xã hội, mỗi người đều có giá trị riêng, câu chuyện riêng.
Tôi cố gắng đưa những sáng tạo cá nhân để chia sẻ những góc kỳ lạ mà tôi có thể nhìn thấy trong sự biến đổi của mỗi con người khi tôi bắt gặp.
Thứ đáng sợ nhất của con người chính là sự giận dữ, với tôi sự giận dữ to lớn hơn hình thể con người gấp nhiều lần và chỉ chờ trỗi dậy.
Tôi muốn đưa ra một bức tranh về sự giận dữ để chúng ta lựa chọn trước nhiều hành động trong cuộc sống.
Trong sự nghiệp làm phim, tôi muốn đứng về phía những người yếu thế và tin rằng điện ảnh có khả năng kết nối mọi người qua tâm hồn, cũng như những trải nghiệm cảm xúc.
Với “Thành phố ngủ gật”, bộ phim là một ẩn số đầy màu sắc, đôi lúc tôi dùng ngôn ngữ bản năng của con người và ngôn ngữ của nhà làm phim để tạo ra những hình ảnh ẩn dụ.
Tôi muốn khán giả cảm nhận sự đa dạng đó một cách tự nhiên nhưng không thể lý giải ngay lập tức.
Đó chính là nguyên nhân tạo ra sự khó chịu khi xem phim và cũng tạo nên sự tò mò, ám ảnh.
Đây là lý do tôi tạo ra bộ phim này.
Nếu “Thành phố ngủ gật” tiếp tục không như kỳ vọng... Anh sẽ?
Ban đầu tôi không nghĩ bộ phim có thể đến được với khán giả vì nhiều lý do khách quan, hiện tại phim chỉ chiếu ở một số rạp của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, trước đó phim đã chiếu ở Estonia, Ấn Độ, Canada.
Như tôi nói “Thành phố ngủ gật” có nhiệm vụ mở màn cho các dự án lớn của tôi và nó đã xong nhiệm vụ.
Tuy nhiên tiền bán bản quyền và các nguồn thu khác đã giúp tôi có lãi trước khi ra rạp.
Hỏi một câu tế nhị, tại sao anh nhiều tiền để đầu tư liên tiếp, thậm chí cùng lúc đổ tiền cho nhiều dự án như vậy?
Cá nhân tôi không có tiền đâu. Nhưng nhìn thấy phim tôi làm, các nhà đầu tư luôn sẵn sàng đồng hành cùng tôi trong bất kỳ dự án phim nào.
Khi điện ảnh Việt Nam tính đến công nghiệp hóa như Hàn Quốc, với kỳ vọng kiếm ra tiền, đóng góp cho GDP, mỗi đạo diễn làm nghề sẽ phải khác, tức là, anh không thể bán mãi thứ anh có, anh phải bán những thứ khán giả cần. Anh nghĩ thế nào về quan điểm này?
Tôi đồng tình với quan điểm rằng công nghiệp hóa trong điện ảnh là quan trọng để phát triển ngành và đóng góp cho GDP.
Tuy nhiên, điện ảnh cũng là một loại nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo, tình yêu cũng như lòng dũng cảm.
Làm phim không chỉ xoay quanh việc đáp ứng nhu cầu của khán giả với những gì họ cần, mà còn tạo ra những trải nghiệm đầy ý nghĩa và thú vị, thể hiện những câu chuyện mà họ có thể chưa biết mình muốn.
Tôi nghĩ nếu thế giới này không có nghệ thuật, chúng ta chỉ thấy những chiếc hang chui ra chui vào không có tác phẩm kiến trúc. Không có nghệ thuật nấu ăn nếu thực phẩm cứ chín là ăn.
Có lẽ, chúng ta cần mạo hiểm và thách thức sự đồng thuận như những nhà làm phim trên thế giới đang làm, thay vì chỉ đơn thuần làm theo công thức.
Nếu chúng ta chỉ bán những thứ khán giả đã quen thuộc, điện ảnh sẽ trở nên đồng dạng và mất đi sự đa dạng, phong cách.
Chúng ta cần tạo ra những tác phẩm nghệ thuật mới, độc đáo, đầy thử thách để khám phá, mở rộng tầm hiểu biết của khán giả, cũng như chính chúng ta.
Xin cảm ơn đạo diễn