Show giải trí bị chê
Thời gian qua, hàng loạt ý kiến phàn nàn của công chúng được đăng tải trên mạng xã hội về những nhận xét tiêu cực, mang tính chê bai trên các chương trình tạp kĩ trực tuyến tại Hàn Quốc.
Trong đó có thể kể đến video “We Came to Yeongyang, the Smallest City in Kyungsang” (tạm dịch: Chúng tôi đến Yeongyang, Thành phố nhỏ nhất tỉnh Kyungsang) được đăng tải trên kênh Psick Univ với 3,1 triệu người theo dõi.
Trong video, bộ 3 diễn viên hài Lee Yong Ju, Kim Min Su và Jung Jae Hyung tham quan Yeongyang và đưa ra nhiều bình luận tiêu cực về địa điểm này, như việc chê con sông “đầy phân”, hay thạch việt quất có vị như “thịt bà ngoại”...
Ngay lập tức, đoạn video đã vấp phải sự chỉ trích từ công chúng vì chia sẻ mang tính phân biệt đối xử đối với người dân ở các vùng nông thôn, đồng thời kênh Psick Univ đã mất hơn 210.000 người theo dõi trong 3 tuần.
Sau đó, chủ kênh đã viết thư xin lỗi, đồng thời cài đặt video dưới dạng riêng tư, tuy nhiên, những tranh cãi vẫn không vì thế mà dừng lại.
Đáng nói, Psick Univ không phải là kênh YouTube duy nhất gây tranh cãi.
Trước đó, diễn viên hài kì cựu Lee Kyung Kyu cũng bị chỉ trích vì đưa ra những nhận xét tiêu cực về những chú chó Jindo và quay phim những người dắt thú cưng của mình đi dạo mà chưa được sự đồng ý của họ, trên kênh YouTube Lekeke Lee Kyung Kyu của mình.
Hay Kim Hee Min - người được biết đến với biệt danh Kian84 đã bị phạt khi dẫn tập thứ 9 của “SNL Korea 5” (Hài Hàn Quốc 5) trên Coupang Play, do có cảnh anh hút thuốc.
Sau khi bị người xem tố cáo, Kim Hee Min đã bị phạt 100.000 won (72 USD) vì hút thuốc trong trường quay, vi phạm Đạo luật nâng cao sức khỏe quốc gia, cấm hút thuốc trong các loại tòa nhà được chỉ định.
Cần có quy định nghiêm
Trước vấn đề này, Giáo sư Ryu Woong Jae tại Đại học Hanyang (Hàn Quốc) chia sẻ cùng Korea Herald: “Quyền tự do ngôn luận được truyền thông và văn hóa đại chúng sử dụng không thể trở thành một quyền siêu việt cho phép xâm phạm quyền tự do và sự nhạy cảm về văn hóa của người khác.
Phải có những giới hạn và hạn chế rõ ràng, và điều này cũng cần áp dụng cho nội dung trên các dịch vụ phát trực tuyến và YouTube”.
Trong khi đó, nhà phê bình văn hóa đại chúng Kim Hern Sik nhận định, nội dung trực tuyến tự do sáng tạo có thể giúp ích cho ngành công nghiệp phát triển, trong khi các nền tảng kĩ thuật số mang lại lợi thế trong việc giới thiệu nội dung Hàn Quốc tới khán giả nước ngoài.
"Mỗi khi một hình thức truyền thông mới được giới thiệu, một loại hình liên doanh mới sẽ được thực hiện để tạo ra nội dung, từ đó khuyến khích các đài truyền hình tạo ra nhiều tài liệu giải trí, kích thích các dịch vụ phát trực tuyến và người sáng tạo nội dung giải trí trên web”.
Tuy nhiên, Kim Hern Sik cho rằng, quy định hiện hành, vốn cho phép các dịch vụ phát trực tuyến và nội dung web được giám sát nhẹ nhàng hơn, đã dẫn đến nội dung ngày càng khiêu khích và phản cảm.
Vậy nên, dù các dịch vụ phát trực tuyến đã triển khai hệ thống xếp hạng tự nguyện cho nội dung, nhưng điều đó là chưa đủ.
“Những người sáng tạo nội dung trên các nền tảng này tuân theo hệ thống xếp hạng tự nguyện ban đầu có thể sẽ thận trọng, nhưng theo thời gian, việc duy trì hệ thống này có thể trở thành thách thức, khi xét đến bản chất của nội dung trực tuyến dựa vào lượt xem và số lần nhấp chuột”.
Đây cũng là lí do, nhà phê bình Kim cho rằng, cần phải ban hành nhiều biện pháp, từ việc đưa ra các quy định tự chủ cho đến việc Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc cần thiết lập các tiêu chuẩn quy định mới.
“Vai trò của giới truyền thông và người dùng đều rất quan trọng. Đối với những cảnh có vấn đề, sự chỉ trích của công chúng nên được đưa ra mà không cần dè dặt.
Việc tẩy chay và áp lực từ các nhóm cũng là cần thiết vì ngay cả một vấn đề nhỏ cũng có thể dẫn đến tình trạng sụt giảm lượng người đăng kí trên các nền tảng như phát trực tuyến” - Kim Hern Sik nói thêm.