Việc Công an Quận Ba Đình đề nghị tạm dừng liveshow "Ngựa hoang" của Tuấn Hưng vì không đảm bảo được an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy gây xôn xao dư luận hai ngày qua.
Theo đó, đêm nhạc này được thông báo diễn ra lúc 20h tối 5.10 ở Cung thể thao tổng hợp Quần ngựa (quận Ba Đình, Hà Nội). Tuấn Hưng cho biết, thời điểm 18h, anh nhận được công văn hỏa tốc yêu cầu dừng chương trình từ UBND quận Ba Đình với "lý do đặc biệt".
Lúc đó, Tuấn Hưng đang ở khách sạn chuẩn bị, vội đi ra địa điểm. Đến nơi, anh thấy cổng sân vận động khóa kín, bảng thông báo ngắn gọn được dán trước cổng.
Lý do được cho là, trong ngày 5.10, báo cáo của công an quận Ba Đình gửi Chủ tịch UBND quận Ba Đình, đơn vị tổ chức đêm nhạc của Tuấn Hưng chưa có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn của show diễn, chưa đảm bảo hệ thống PCCC tại địa điểm theo chức năng được thiết kế vận hành.
Liên quan vấn đề này, nhiều người đặt thắc mắc, việc hủy đột ngột một show diễn âm nhạc như vậy, trách nhiệm thuộc về đơn vị nào. Liên quan vấn đề này, luật sư Trần Thu Nam (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm.
Việc dừng show diễn âm nhạc của Tuấn Hưng (đã được Sở VHTT cấp phép) vì lý do không đảm bảo PCCC phải được thể hiện bằng một văn bản pháp lý như biên bản vi phạm hành chính, biên bản xử phạt hành chính về lĩnh vực PCCC và phải có đoàn kiểm tra đánh giá những vấn đề đó. Ở đây, trước khi thông báo hủy show của Tuấn Hưng, chính quyền địa phương chưa trình ra được những văn bản pháp lý như vậy.
Trong khi Tuấn Hưng đã xin được giấy phép biểu diễn của Sở VHTT Hà Nội. Để xin được giấy phép biểu diễn, bao giờ cũng phải có địa điểm tổ chức, cơ sở vật chất, hạ tầng của địa điểm đó. Phải đủ điều kiện thì Sở VHTT mới cấp phép, mà đơn vị cấp phép mới có quyền hủy giấy phép đó. Trong trường hợp này, đơn vị cấp thuộc cấp thành phố nhưng đơn vị ra văn bản cấm lại thuộc cấp quận, điều này là vượt quyền?
“Tôi cho rằng, việc UBND quận Ba Đình ra văn bản hỏa tốc dừng show diễn của Tuấn Hưng là không thuyết phục, vô lý, lạm quyền, gây thiệt hại rất lớn về tinh thần, vật chất cho nam ca sĩ.
Không chỉ vậy, việc làm này còn khiến dư luận bất bình về những quyết định của cơ quan công quyền địa phương, phải có người chịu trách nhiệm, xử lý nghiêm để không tạo ra tiền lệ xấu”, luật sư Nam nói.
Còn luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho hay, sau sự cố tại đêm nhạc hội mùa thu khiến 7 người tử vong, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (VHTT) cho biết, thời gian tới, đơn vị này tạm dừng cấp phép cho các loại hình biểu diễn tương tự.
Theo đó, sau khi cơ quan chức năng có kết luận, Sở VHTT mới tiếp tục xem xét việc tái cấp. Tuy nhiên, việc cấp phép phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Công an TP Hà Nội để đảm bảo công tác an ninh trật tự ngay từ đầu.
Do vậy, nếu do địa điểm Cung tổng hợp thể thao Quần Ngựa chưa đáp ứng điều kiện an ninh trật tự, PCCC theo quy định của pháp luật khiến Liveshow "Ngựa hoang" của ca sĩ Tuấn Hưng bị tạm dừng, thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Cung Quần Ngựa và Công ty CP sự kiện truyền thông Thăng Long (đơn vị tổ chức). Bởi 2 đơn vị này chưa có kế hoạch đảm bảo trật tự an ninh, an toàn cho chương trình.
"Đây có thể là bài học lớn cho các đơn vị tổ chức tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải rất hoàn tất đầy đủ các thủ tục pháp lý cần thiết và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, đặc biệt là công an tỉnh, thành phố trong việc tổ chức cho nhiều người nơi công cộng, tránh những sự cố đáng tiếc. Bởi lẽ, tính mạng, sức khỏe con người mới là điều quan trọng nhất của cuộc đời", luật sư phân tích.