1.
Louise Glück sinh năm 1943 tại New York City và lớn lên ở Long Island. Bà từng học tại Sarah Lawrence College và sau đó tại Columbia University, ở đây bà học dưới sự hướng dẫn của nhà thơ Stanley Kunitz. “Ông ấy xô đẩy rất mạnh và ông ấy không dễ dàng vỗ tay, chúc mừng… Ông ấy bắt tôi làm việc như một nô lệ tình yêu. Bạn biết đấy và tôi thích điều đó” - bà cho biết.
Được xem là một trong những nhà thơ đương đại tài năng nhất nước Mỹ, Glück nổi tiếng vì kỹ thuật thơ chính xác, sự nhạy cảm, sự đi sâu vào nỗi cô đơn con người, quan hệ gia đình, ly hôn và cái chết. Nhà thơ Robert Hass gọi bà là “một trong những nhà thơ trữ tình thuần khiết và hoàn mỹ nhất hiện đang viết”.
Louise Glück đã in 12 tập thơ và nhận được nhiều giải thưởng danh giá trong suốt sự nghiệp của mình. Năm 1993, bà được giải thưởng Pulitzer cho tập The Wild Iris. Năm 1994 tập tiểu luận Proofs and Theories của bà được trao giải PEN/Martha Albrand Award cho thể loại phi hư cấu. Năm 2014 tập Faithful and Virtuous Night (2014) được Giải thưởng Sách Quốc gia. Năm 2003 Louise Glück đã được Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ bầu là Thi Bá (Poet Laureate) thứ 12 của nước Mỹ. Và năm nay, 2020, giải thưởng cao quý Nobel Văn chương đã về tay bà.
Khi được người của Ủy ban Nobel gọi điện báo tin và hỏi giải thưởng này có ý nghĩa thế nào với bà, Louise Glück trong cơn xúc động hồi hộp đã trả lời qua điện thoại: “Tôi không biết sao nữa. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là “mình sẽ không có bạn bè nào, bởi vì hầu hết bạn bè của tôi đều là nhà văn. Nhưng sau đó tôi nghĩ “Không, điều đó sẽ không xảy ra”. Nó quá mới mẻ, bạn biết đấy… Tôi thực sự không biết nó nghĩa là gì. Và tôi không biết liệu… Ý tôi muốn nói đó là một vinh dự lớn và tất nhiên có những người nhận mà tôi không phục, nhưng sau đó tôi nghĩ đến những người tôi khâm phục, mà mới rất gần đây. Tôi nghĩ, một cách rất thực tế, tôi muốn mua thêm một ngôi nhà khác, một ngôi nhà ở Vermont - tôi đã có một căn hộ ở Cambridge rồi và tôi nghĩ “tốt, giờ mình có thể mua thêm được một căn nữa”. Nhưng cái chính là tôi lo sao giữ được cuộc sống hằng ngày với những người tôi yêu thương”.
2.
Louise Glück có một thời kỳ làm công việc thư ký. Công việc đó, bà nghĩ tạo ra cơ hội kiếm sống và viết lách. “Tôi đã mất một khoảng thời gian nhất định khi bắt đầu sự nghiệp của mình”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn với nhà thơ Peter Streckfus, “khi nghĩ các nhà thơ thì không nên đi dạy vì về cơ bản tôi cho rằng bạn phải làm mọi thứ có thể để thể hiện số phận, sức mạnh, thần linh, rằng cuộc đời của bạn đã được dành cho nghệ thuật và bất cứ điều gì khiến bạn xao lãng khỏi dòng năng lượng thuần khiết sẽ chảy vào công việc của bạn đều là một sai lầm”. Nhưng sau khi xuất bản tập thơ đầu Firstborn vào năm 1968, bà bị lâm vào ngõ cụt. Bất ngờ trước lời mời từ một giảng viên tại Đại học Goddard ở Vermont đến giảng dạy tại đó, bà đã nhận lời và nhận thấy mình yêu thích việc giải quyết những vấn đề mà các sinh viên của mình đang vấp phải. Việc này đã giúp bà tìm ra cách giải quyết những khó khăn trong việc viết lách và đưa sự nghiệp văn chương của bà ra khỏi ngõ cụt. “Lúc tôi bắt đầu dạy là tôi bắt đầu viết. Đó là một điều kỳ diệu” - bà nói. Bà đã có 7 năm (2003-2010) làm giám khảo cho lớp nhà thơ trẻ ở Đại học Yale.
“Thơ của Louise Glück là những tác phẩm điêu khắc của niềm tin”, nhà phê bình Streckfus nhận xét trong phần giới thiệu của mình tại một buổi đọc thơ của bà. Những bài thơ của bà cũng có thể được xem như những hành động nói, trong đó hình ảnh không quan trọng bằng sự nhận biết cách bài thơ khai triển. Bài thơ, đối với bà, có thể biến các ý tưởng thành thực tế. Phương pháp của bà thường là biện luận từ tiêu cực: “Tôi, với chủ nghĩa Platon không linh hoạt của tôi/sự quyết liệt của tôi chỉ nhìn thấy một thứ tại một thời điểm”. Nhà thơ và nhà phê bình Frank Bidart đã viết: “Cái cấu trúc quyết định cuối cùng của một bài thơ riêng lẻ, cái chủ âm định mệnh đặc trưng cho các dòng thơ của bà, cho thấy việc nhìn thấy “một thứ tại một thời điểm” là sâu sắc đến mức mà khi đem so sánh thì cái nhìn thông thường co lại”.
Bằng giọng điệu nhức nhối đặc trưng cho nhiều tác phẩm của bà, một bài thơ thời kỳ đầu của Louise Glück mở đầu, “Luôn có điều gì đó làm bằng nỗi đau”. Một câu khác cùng thời kỳ thừa nhận, “Sự sinh, chứ không phải sự chết, là sự mất mát khó khăn”. Từ lập trường tăm tối này, bà đã tiếp tục trong bốn thập kỷ để tạo ra một thứ thơ trữ tình không cho phép dễ dãi xác định nó là thơ thú tội hoặc thơ nữ quyền và mở ra con đường riêng của nó nhằm nhận ra và khám phá “những kiểu tư tưởng hoàn toàn mới”.
Giọng điệu, hình thức và cấu trúc tạo nên xương sống trong tác phẩm của Glück. Bà cảm thấy các bài thơ của mình sống với độc giả trên trang giấy nhiều hơn là khi được đọc to lên và bà thấy thơ, so với múa, là có tính tuần tự theo nhau, nghĩa là đối với bà thơ không đòi hỏi một lượng lớn khán giả đương đại để tồn tại. Bà nói, khán giả của bà là mang tính lý thuyết. “Đó là Blake, Yeats và Eliot, họ đang ở trong hội sở của họ trên Thiên Đường và tôi muốn nghĩ là họ đang nghiền ngẫm những từ ngữ của tôi”.
3.
Ở Việt Nam, thơ Louise Glück gần như chưa được biết đến. Bà chỉ mới xuất hiện một lần trong sách “Mười lăm nhà thơ Mỹ thế kỷ XX” (2004) do nhà thơ Hoàng Hưng tuyển chọn. Bây giờ mời bạn đọc một bài thơ của bà “Ngôi sao ban chiều”.
Đêm nay, lần đầu tiên sau nhiều năm
một cảnh tượng huy hoàng của trái đất
lại hiện ra với tôi:
*
trên bầu trời chiều
ngôi sao đầu tiên dường như
tăng thêm độ sáng
khi trái đất tối đi
*
cho đến cuối cùng nó không thể tối hơn được nữa.
Và ánh sáng, là thứ ánh sáng của cái chết,
dường như hồi phục cho trái đất
*
sức mạnh an ủi của nó. Không có
những ngôi sao nào khác. Chỉ duy nhất một ngôi
mà tôi biết tên
*
vì trong cuộc sống khác của tôi,
tôi đã làm chấn thương nàng: Vệ Nữ
ngôi sao ban chiều
*
tôi tặng bạn
cảnh tượng tôi thấy đó, bởi vì trên bề mặt trơ trụi này
*
bạn đã chiếu đủ ánh sáng
để làm cho suy nghĩ của tôi
hiện hình trở lại.
Hà Nội 9.10.2020