Xu hướng mới của phim cổ trang Hàn
Thời gian qua, nhiều phim cổ trang Hàn Quốc lên sóng. Trong đó, các nhân vật nữ trong các tác phẩm như “Hôn nhân hợp đồng” (The Story of Park’s Marriage Contract), “Bà mối” (The Matchmakers) đều có một điểm chung khi sống với 2 thân phận.
Với “Hôn nhân hợp đồng”, nữ chính của phim - Park Yeon Woo (Lee Se Young) dù là con gái duy nhất trong một gia đình quý tộc, nhưng cô âm thầm hoạt động với tư cách Hồ Điệp Tiên Tử - nghệ nhân may vá nổi tiếng nhất Hanyang.
Trên màn ảnh, Yeon Woo được xây dựng là người phụ nữ hoàn hảo với vẻ ngoài thu hút, trí thông minh và đôi tay khéo léo. Dù đã đến tuổi kết hôn nhưng cô luôn lảng tránh với mong muốn được sống tự lập và được may những bộ quần áo mình yêu thích.
Trong khi đó, nữ chính phim “Bà mối” - Jung Soon Deok (Cho Yi Hyun) cũng là nhân vật tận hưởng cuộc sống 2 mặt. Soon Deok kết hôn với con trai cả của một gia đình giàu có nhưng cô trở thành góa phụ sau 6 tháng kết hôn và sống như vậy suốt 5 năm.
Với kĩ năng quan sát tốt cùng tính cách tươi sáng, năng khiếu bẩm sinh, cô còn được biết đến với tư cách là bà mối giỏi nhất ở Joseon. Thay đổi bản thân với lớp trang điểm đậm, đôi môi đỏ mọng và nốt ruồi dễ thương dưới mắt, Jung Soon Deok hợp tác với học giả Shim Jung Woo (Rowoon) để giúp đỡ các thiếu nữ kết hôn.
Ngoài ra, Jo Yeo Hwa (Honey Lee) - nữ chính bộ phim truyền hình lên sóng năm 2024 của MBC - “Knight Flower” cũng được xây dựng là một góa phụ, đồng thời là một hiệp sĩ bí ẩn, luôn âm thầm giúp đỡ và chăm sóc những người gặp khó khăn.
Khi sống cuộc sống 2 mặt của mình, Jo Yeo Hwa vô tình gặp gỡ tướng quân Park Soo Ho (Lee Jong Won) và có sự hợp tác đặc biệt. Sở dĩ Jo Yeo Hwa quyết định sống 2 cuộc đời là vì cô không thể chịu đựng được sự bất công. Đặc biệt, dáng vẻ của Yeo Hwa khi mặc trang phục bình thường và khi đeo mặt nạ đã thể hiện rõ nét cả 2 mặt của nhân vật này.
Nỗ lực giúp phụ nữ độc lập hơn
Theo The Fact, những năm qua, các câu chuyện kể về phụ nữ và xoay quanh nhân vật nữ đã trở nên phổ biến hơn trong phim truyền hình Hàn Quốc.
Đáng chú ý, xu hướng này cũng xuất hiện nhiều hơn trong các tác phẩm thuộc thể loại lịch sử. Cụ thể, trong các bộ phim cổ trang, triều đại Joseon thường được miêu tả là một xã hội Nho giáo với nhiều hạn chế về vai trò của phụ nữ.
Về vấn đề này, đạo diễn Jung Ji In - người từng chỉ đạo phim lịch sử “Cổ tay áo màu đỏ” (2021) - cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Sự độc lập của phụ nữ trong phim cổ trang đang bị hạn chế.
Vậy nên, việc tạo ra những nhân vật nữ đa dạng trong bộ phim cổ trang là điều không hề dễ dàng. Tôi cảm thấy như khán giả đang liên tục kiểm tra xem chúng tôi có thể vượt qua những giới hạn đó đến mức nào”.
Theo truyền thông, để khắc phục những hạn chế như vậy đối với các nhân vật nữ, các bộ phim cổ trang hiện đang tập trung xây dựng hình tượng phụ nữ sống 2 thân phận.
Lí do là vì ý tưởng này cho phép các nhân vật nữ vượt ra khỏi những quy tắc trong xã hội, đồng thời các nhà biên kịch có thể thoả sức sáng tạo những câu chuyện mới - thú vị và độc đáo hơn.
Thế nên, không chỉ có 3 bộ phim cổ trang nói trên của Hàn Quốc đi theo mô típ này, mà khả năng cao, các nhân vật nữ có câu chuyện tương tự sẽ xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới trên màn ảnh nhỏ.