Tiếp nối thành công của những phim Việt trước đây tại Liên hoan phim (LHP) quốc tế Ba châu lục như “Ai xuôi vạn lý” của đạo diễn Lê Hoàng và “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh, tác phẩm “Tro tàn rực rỡ” của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã đoạt giải nhưng lần này là giải cao nhất - Khinh khí cầu Vàng tại LHP này. Trước đó, “Tro tàn rực rỡ” là phim Việt đầu tiên lọt vào tranh giải chính thức tại LHP danh giá Tokyo (Nhật Bản).
Khi phụ nữ yêu
“Tro tàn rực rỡ” là một phim đáng xem nhưng kén khán giả, vì thế khả năng doanh thu của phim là một dấu hỏi. Nó là tiếng thở dài xót xa cho thân phận những người phụ nữ”chết chìm” trong tình yêu và không thế thoát ra được. Đó là câu chuyện về ba người phụ nữ yêu đắm đuối hết mình như lửa cháy và khi chỉ còn là “tro tàn”, thì vẫn là thứ tro tàn rực rỡ nhất. Khát khao yêu và được yêu của họ lớn hơn tất thảy, vượt qua cái nghèo, và vượt qua cả những toan tính, ích kỷ của người đàn ông.
Điểm tựa - nền móng vững chắc của phim chính là từ hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư với những câu truyện sâu sắc, mang nhiều tính ẩn dụ về số phận của những người đàn bà cũng như một giọng văn rặt chất Nam Bộ.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ: “Trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, có những tình yêu rất đặc biệt. Tôi cảm nhận được sự tích cực của những tình yêu ấy. Đó là bởi vì khi người phụ nữ còn yêu, không gì có thể làm họ dừng lại”.
Bùi Thạc Chuyên chia sẻ với truyền thông, anh đặc biệt ấn tượng về câu chuyện tình yêu, về cái “tứ” rất đẹp được xây dựng trong truyện ngắn “Tro tàn rực rỡ” trong tập truyện “Đảo” của Nguyễn Ngọc Tư, về mối quan hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Người đàn bà níu giữ sự quan tâm của người đàn ông bằng những câu chuyện vặt vãnh về cuộc sống hằng ngày, và về người phụ nữ mà anh ta yêu. Nhưng khi bắt tay vào viết kịch bản, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cảm giác câu chuyện lên phim vẫn còn thiếu một điều gì đó. Và anh đọc lại tập truyện “Đảo”, để bị thu hút bởi nhân vật cô Loan “khùng” trong truyện “Củi mục trôi về” lại là một câu chuyện tình yêu, nhưng đau đớn đến tuyệt vọng khi người đàn bà đem lòng yêu kẻ đã phá nát tất cả tương lai, cuộc đời của cô.
Dĩ nhiên để đưa tác phẩm văn học lên phim, đạo diễn cần bổ sung, đắp điếm tạo thêm da thịt cho các nhân vật và kể nó bằng ngôn ngữ điện ảnh. Bùi Thạc Chuyên đã kể chuyện nhấn nhá, không quá nhanh, không quá chậm mà vừa phải đủ để người xem thấm và cảm nhận. Không có sự cưỡng ép hay lên gân mà câu chuyện cứ diễn ra tự nhiên như nó phải thế.
Ba người phụ nữ trong phim, không ai có hạnh phúc viên mãn. Họ luôn phải đối diện với những mất mát, tổn thương, buồn đó nhưng cũng rất kiên cường, chấp nhận mọi chuyện và sống với bản năng thương yêu của người phụ nữ. Đối chứng và bên cạnh họ là ba người đàn ông với tính cách khác nhau cũng ẩn chứa nhiều ẩn ức, đổ vỡ trong cảm xúc và họ được bàn tay người phụ nữ bao dung và vỗ về. Nhưng ai sẽ vỗ về những đau thương trong tâm hồn người phụ nữ? Hay họ sẽ phải tự vượt lên vỗ về chính mình?
Những gương mặt đáng chú ý
Để thực hiện “Tro tàn rực rỡ”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã dành 2 năm viết kịch bản, cùng 5 năm thực hiện các công tác chuẩn bị cho việc quay phim. Lời thoại phim được đích thân nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chấp bút.
Nữ diễn viên chính Juliet Bảo Ngọc Doling thủ vai Hậu có lần đầu tiên chạm ngõ điện ảnh đã mang đến hình tượng cô gái miền Tây có chút “ngang bướng”, mạnh mẽ và nét thanh xuân trên màn ảnh. Bảo Ngọc Doling dù là tay ngang, hiện đang là sinh viên đang học tại Úc, đã dấn thân vào vai diễn, chịu khó học bổ củi, học nghề làm bánh chuối, học chèo ghe. Trong khi, Lê Công Hoàng nhập vai Dương với nhiều nỗ lực trong diễn xuất, tạo ra nét riêng cho nhân vật.
Phương Anh Đào đảm nhận vai nhân vật Nhàn - một trong 3 nữ chính của phim với số phận tréo ngoe, luôn khao khát yêu và được yêu đến cháy bỏng. Cô là một trong những diễn viên trẻ và giàu triển vọng của điện ảnh Việt, sở hữu vẻ đẹp thuần khiết cùng lối diễn xuất tự nhiên. Suốt một tháng liền, diễn viên “Nhắm mắt thấy mùa hè” đã cùng các bạn diễn tới Cà Mau và dành thời gian chuẩn bị. Cô phải đi phơi nắng, học cách nấu cơm và làm việc nội trợ như một người phụ nữ nông thôn. Khi bấm máy, Phương Anh Đào cũng sẵn sàng phá bỏ hình tượng, trang điểm cho đen đúa đi và hằng ngày phải tô răng bớt trắng để có thể hoàn toàn trở thành Nhàn. Còn diễn viên Quang Tuấn, thủ vai nhân vật Tam - chồng của Nhàn từng giành giải thưởng cá nhân Cánh Diều Vàng cho biết anh đã rất chật vật, bỏ không ít công sức để học làm nghề than tại Cà Mau; và được đạo diễn Bùi Thạc Chuyên khen ngợi, ghi nhận.
NSƯT Hạnh Thúy đảm nhận nhân vật cô Loan “khùng”, với những bi kịch, ẩn ức đầy trăn trở. Trên phim trường, nữ diễn viên sẵn sàng “trầy da tróc vảy”, không ngại “xấu”, ngại khổ để hóa thân vào nhân vật giàu tâm trạng này.