Vốn nổi tiếng khắp Hà thành là người lưu giữ những món ăn dân gian, nghệ nhân Ánh Tuyết (25 Mã Mây, Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã có những chia sẻ chi tiết về cách cúng cũng như bày biện mâm cỗ cúng đêm 30 Tết.
"Mâm cỗ cúng giao thừa đã là lễ nghi truyền thống từ xưa đến nay. Ai cũng quan niệm thời khắc năm cũ đi qua và năm mới đến là thời khắc hết sức thiêng liêng nên nhà nhà người người đều cầu mong bình an. Cỗ cúng trong nhà cũng là cúng tổ tiên, ông bà còn mâm cỗ ngoài trời là cúng trời, Phật.
Bao giờ cũng phải khấn ngoài trời, khấn Phật và các quan trước, xin trời Phật phù hộ, cầu dân an quốc thái, cầu cho sức khỏe gia đình bình an sau đó mới lễ trong nhà. Nếu lễ trong nhà trước là quan niệm không đúng lắm vì cao nhất là trời Phật rồi mới đến ông bà, tổ tiên nhà mình" - nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ.
Về những món ăn bày biện trên mâm cỗ cúng, nghệ nhân Ánh Tuyết cho rằng đó là điều không bắt buộc: "Tùy tiền biện lễ" quan trọng là cái tâm, khả năng bao nhiêu bày lễ bấy nhiêu miễn là có tâm, các cụ không bao giờ quở trách về việc này".
Tuy nhiên cũng có những món đồ đã trở thành truyền thống, hầu như được các gia đình sử dụng sẽ là cặp bánh chưng, gà lễ (gà lễ phải là gà trống tơ chưa đạp mái, đĩa xôi gấc và bát canh măng. Còn các món ăn khác tùy vào điều kiện của từng gia đình, quan trọng nhất vẫn là ở tại tâm.
Là một người lưu giữ những các món ăn dân gian nhưng nghệ nhân Ánh Tuyết cho rằng, việc những mâm cỗ thời nay được sử dụng đồ đông lạnh cũng là lẽ hợp thời đại, hoàn cảnh. Cũng bởi cuộc sống ngày nay quá bận rộn, cùng với đó là có nhiều gia đình do điều kiện cũng không thể tự tay nấu được mâm cỗ cúng đủ đầy, chăm chút như xưa.