Du lịch Đà Nẵng vẫn gặp khó

Thùy Trang |

Nhiều khách sạn tại Đà Nẵng đang được rao bán. Nhiều nơi lại chọn cách đóng cửa vì mở ra ngày nào thì lỗ ngày đó. Dòng khách thiếu ổn định, thậm chí thời điểm vắng khách, khiến doanh nghiệp hụt nguồn thu để trả cho nhân viên, chưa nói đến tiền thuê đất, lãi ngân hàng.

Mở cửa ngày nào lỗ ngày đó

Ông Trịnh Bằng Có - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng - cho biết, hiện có hơn 150 khách sạn tại Đà Nẵng từ 1 đến 5 sao đang rao bán. Trong đó, trên đường Võ Nguyên Giáp có 12 khách sạn từ 2 - 5 sao, giá thấp nhất từ 35 tỉ đến 1.100 tỉ đồng, đường Bạch Đằng có 5 khách sạn từ 2 - 5 sao giá bán thấp nhất từ 55 tỉ đồng, cao nhất là 165 tỉ… Những số liệu này hoàn toàn có thể tìm kiếm trên các trang trung tâm môi giới bất động sản. Một số khách sạn lớn khác lại chọn cách đóng cửa. Bởi, mở cửa ngày nào thì lỗ ngày đó.

“Nhưng rao vậy chứ chưa chắc đã có người mua vì giá trị quá lớn và không phải ai cũng dám đầu tư vào lúc này. Khách sạn đóng cửa càng lâu thì khi hoạt động lại phải tốn tiền tỉ để mua sắm lại trang thiết bị. Vậy để thấy dù chúng ta nói du lịch phục hồi, nhiều thông tin rất phấn khởi nhưng ngành khách sạn ở Đà Nẵng là ngành phục hồi chậm nhất và đang đối diện với rất nhiều khó khăn” - ông Có nói.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phân tích, sau đại dịch COVID-19, lao động của ngành bị phân hóa hết 50% dẫn đến nhiều doanh nghiệp không tuyển dụng được nhân viên. Một số khách sạn mở cửa thì không có tiền để đầu tư nên chất lượng không có.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp du lịch dịch vụ, nhất là cơ sở lưu trú đang phải trả tiền thuê đất rất cao. Giá đất hiện nay tại Đà Nẵng cao hơn nhiều so với các điểm đến khác như Phú Quốc, Khánh Hòa. Có doanh nghiệp tiền thuê đất 140 tỉ/năm nhưng doanh thu không đảm bảo, không đủ nộp tiền thuê đất.

Sở Du lịch Đà Nẵng nhìn nhận, ngành du lịch thành phố vẫn đang gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh điểm đến, chính sách thị thực của Việt Nam chưa thông thoáng; xu hướng, tâm lý khách thay đổi và cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 khiến nguồn khách chưa ổn định và phục hồi như trước, đặc biệt là khách quốc tế. Nguồn vốn kinh doanh, tái đầu tư cũng hạn chế khi năm 2022 ngân hàng thắt chặt tín dụng trong khi doanh nghiệp du lịch cạn kiệt nguồn lực tài chính do thời gian dừng kinh doanh quá lâu và nhiều lần bị gián đoạn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển... xuống cấp, hư hỏng.

Kiến nghị giảm tiền thuê đất, cho doanh nghiệp giãn nợ

Không chỉ có giá thuê đất cao, nguồn khách chưa có mà giữa khó khăn trăm bề hiện nay, doanh nghiệp còn đang đau đầu với mức lãi suất tăng cao thời gian qua. Trong 2 tháng đầu của năm 2023, cả nước có khoảng 51.400 doanh nghiệp đang dừng hoạt động, dừng có thời hạn. Nguyên nhân chính là do không chịu nổi lãi vay ngân hàng và không có tiền đáo hạn dẫn đến nợ quá hạn, không thể vay được, buộc phải dừng hoạt động và doanh nghiệp khách sạn cũng không ngoại lệ.

Về giá cho thuê đất, ông Phạm Đức Thường - Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng cho hay, thời gian qua, đơn vị nhận nhiều kiến nghị của doanh nghiệp về việc giảm tiền thuê đất của doanh nghiệp lưu trú. Tuy nhiên, giá đất được quy định bởi luật, nếu muốn giảm hay có ưu đãi thì cần có hội nghị chuyên đề hoặc có cơ chế chi hỗ trợ thuộc thẩm quyền HDND thành phố. Trước đó, năm 2022, Đà Nẵng đã giảm 30% tiền thuê đất để hỗ trợ phục hồi sau dịch bệnh COVID-19.

Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng kiến nghị, thành phố cân nhắc tiếp tục giảm tiền thuê đất thêm 1 năm nữa khi ngành khách sạn còn gặp nhiều khó khăn.

“Với các ngân hàng nếu chưa thể giảm lãi suất thì cần tiếp tục giãn nợ cho doanh nghiệp. Bởi khi không được giãn nợ, đến thời hạn, doanh nghiệp không chỗ xoay xở được tiền thì đành phải vay ở bên ngoài với lãi suất cao để đáo hạn, khó càng thêm khó” - ông Trịnh Bằng Có đề xuất.

Thùy Trang
TIN LIÊN QUAN

Phục hồi nhanh chóng, vẫn còn nhiều thách thức cho du lịch Đà Nẵng

Hải Ngọc |

Dù phục hồi nhanh chóng sau dịch bệnh COVID-19 nhưng ngành du lịch Đà Nẵng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Minh chứng hạnh phúc – phân khúc mới của du lịch Đà Nẵng

Tường Minh |

Thành phố của sự kiện cưới, của minh chứng hạnh phúc hay hành trình tình yêu… là một nội dung ngành du lịch Đà Nẵng xúc tiến triển khai để quảng bá điểm đến tại Hội chợ Du lịch và lữ hành Nam Á lần thứ 30 (SATTE 2023) - hội chợ du lịch lớn nhất Ấn Độ với quy mô hơn 1.400 gian hàng.

Hội chợ Du lịch Đà Nẵng: Doanh nghiệp tìm cơ hội hợp tác cùng phát triển

Thuỳ Trang |

Ngày 9.12, Hội chợ Du lịch quốc tế VITM đã khai mạc. Với sự tham gia của hơn 400 doanh nghiệp trong và ngoài nước, đây là hội chợ đầu tiên được tổ chức tại Đà Nẵng với hình thức B to B (“Business To Business”) giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác thay vì cạnh tranh nhau giữa bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức sau đại dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ ở Thái Nguyên

Lam Thanh |

Ngày 12.9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thăm, động viên nhân dân vùng ngập lụt và kiểm tra tình hình khắc phục thiệt hại do mưa lũ tại tỉnh Thái Nguyên.

Chuỗi cà phê nổi tiếng gây tranh cãi vì cách ủng hộ bão lũ

Anh Tuấn |

Bài đăng tải ủng hộ bão lũ của thương hiệu đồ uống nổi tiếng bất ngờ tạo ra những phản ứng trái chiều. Trong chưa đầy 24 giờ, đã có hơn 20 nghìn lượt phẫn nộ.

Khởi tố Chánh văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh

Vân Trường |

Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cùng thuộc cấp và đồng phạm vừa bị khởi tố.

“Xoay” nguồn tiền bồi thường vụ nứt hàng loạt nhà dân

TRẦN TUẤN |

Hà Tĩnh - Sau khi đồng ý nâng mức bồi thường vì làm nứt nhà dân do thi công nâng cấp Quốc lộ 8A, hiện chủ đầu tư đang lo “xoay” nguồn tiền để chi trả bồi thường.

Yên Bái lại xảy ra sạt lở đất khiến 9 người thương vong

Bảo Nguyên |

Trong sáng 12.9, tỉnh Yên Bái xảy ra 2 vụ sạt lở đất làm 5 người chết và 4 người bị thương.