HỌA SĨ HỨA THANH BÌNH, PHÓ GIÁM ĐỐC BẢO TÀNG MỸ THUẬT TPHCM:

“Làm gì cũng phải có đam mê và tự trọng”

NHẬT LỆ THỰC HIỆN |

Khoảng 5 - 6 năm trở lại đây, giới chuyên môn nhìn nhận, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM có nhiều thay đổi đáng kể về nội dung lẫn hình thức. Phòng trưng bày tuyển chọn những bức tranh chất lượng, cách trình bày khoa học, lớp lang, với cách phân loại cụ thể theo tác giả, tác phẩm, niên đại, khuynh hướng…

Hệ thống ánh sáng, đèn chiếu tác phẩm cũng được làm mới, gần với chuẩn quốc tế. Số lượng khách quốc tế đến bảo tàng ngày càng tăng; ngoài ra, lớp người thưởng ngoạn trong nước cũng xuất hiện ở đây nhiều hơn. Có một sự kết nối giữa bảo tàng và công chúng trẻ: Bảo tàng mở lớp dạy hội họa cho thiếu nhi, trưng bày tranh cho sinh viên và giảng viên đại học - cao đẳng, mở các chuyên đề về mỹ thuật để tạo một lớp công chúng của tương lai…

Vừa làm bảo tàng, vừa say mê vẽ, song họa sĩ Hứa Thanh Bình không có cách nào dung hòa để có đủ thời gian cho hai đam mê của mình. Ông bao giờ cũng là người đến sớm nhất, để tranh thủ vẽ, sau đó tiếp tục công việc quản lý, điều hành, và cũng là người về muộn nhất, cũng chỉ vì nấn ná bên giá vẽ. Có bước vào gian phòng nhỏ, nơi bày biện nhiều bức tranh khổ lớn chưa vào khung hoặc còn đang vẽ dở của ông, nhiều người mới thấm thía hơn về chữ “nghiệp” của người họa sĩ, nhưng cũng chính nhờ sáng tạo mà ông vượt thoát được những nhàm chán của đời sống công chức, trở nên tự do hơn trong thế giới của riêng mình.

Trong triển lãm “Gặp 2017” gần đây, nhiều người ngạc nhiên, không hiểu vì sao tranh của ông có một sức sống mới, có sự thăng hoa trong những bức vẽ về ngựa, phụ nữ và những con cá. Những ràng buộc trước đây dường như cũng được gỡ bỏ…

- Tôi vẽ nhiều năm rồi. Tính ra đã trải qua 38 năm làm viên chức nhà nước, 22 năm làm bảo tàng TPHCM, sau đó chuyển sang làm lãnh đạo khoa ở trường cao đẳng suốt 10 năm, còn về Bảo tàng Mỹ thuật thì cũng đã được 6 năm. Cuộc đời tôi có hai đam mê: Làm công tác bảo tàng và vẽ tranh. Khi còn làm ở Bảo tàng TPHCM và ở trường, thời gian dành cho vẽ nhiều hơn, nhưng từ khi về đây làm phó giám đốc, nhất là hai năm nay khi Bảo tàng Mỹ thuật chưa có giám đốc thì công việc bề bộn hơn, tôi chỉ có thể vẽ vào ban đêm. Tính tôi thích vẽ tranh to, phóng bút thích hơn. Thời gian gần đây, có nhiều chuyện xảy ra, cuối cùng, tôi nghĩ, chắc mình nên lui về để vẽ.

Năm ngoái, tôi sang Hàn Quốc dự triển lãm, tình cờ ở cùng khu lưu trú của một số họa sĩ Hàn Quốc và Nhật Bản, phát hiện họ dùng chất liệu màu nước vẽ trên vải bố. Chính chất liệu màu nước khiến người vẽ tự do hơn, thoải mái hơn, cứ lôi mình theo. Thế là tôi bắt đầu dùng màu nước kết hợp với tranh sơn dầu. Tôi nghĩ, có thể, màu nước phù hợp với tâm tính của mình. Cách đây mấy chục năm, trong một bài viết, họa sĩ - nhà phê bình Phan Cẩm Thượng từng viết về tôi, rằng tranh của tôi có cái chưa vuông tròn, lúc được lúc mất, lúc thực, lúc ảo… Đúng là tôi thích kiểu hư hư thực thực như thế.

Công việc tôi đang làm là giúp công chúng hưởng lợi từ bảo tàng. Làm được gì cho thiên hạ vui thì mình vui. Đó là tâm tính của tôi. Tôi nghĩ thế thì tranh tôi cũng vậy.

Vì sao trong một bài bình luận, họa sĩ Ngô Đồng ví von rằng, ông chìm đắm trong “nỗi niềm hổ phách”?

- Có thể nói, tôi thích gam màu nâu trầm, ấm. Ngày trước, các thế hệ thầy tôi ưa chuộng trường phái cổ điển, nhất là thời phục hưng. Những sắc nâu, hổ phách thâm trầm, sâu lắng. Tôi thích kỹ thuật đó nên ít nhiều bị ảnh hưởng.

Nhiều năm nay, dường như ông vẽ ngựa không biết chán?

- Tôi cũng không biết nữa. Hình tượng con ngựa vừa có gì đó kiêu hãnh, vừa có gì đó rất chịu đựng. Tôi thích con ngựa nhất trong các loài vật, có lẽ vì nó thâm trầm giống như suy nghĩ của mình. Con ngựa gắn với sự dịch chuyển văn hóa. Ngày xưa, mọi chuyện mua bán, chuyên chở, giao dịch cũng từ con ngựa mà ra…

Có người nói mắt ngựa tôi vẽ rất buồn. Hay có gì trong đời lậm vào tranh? Nhưng tôi chưa bao giờ bi lụy hay tuyệt vọng, thậm chí còn lạc quan tếu. Cuộc sống cũng có nhiều điều buồn, cũng có người hỏi vì sao tôi cứ quẩn quanh ở cơ quan nhà nước mãi… Tôi chỉ nói thầm với tôi thôi: Bây giờ ai cũng khôn hết thì lấy ai dại? Buồn thì có nhưng không vì thế mà than vãn, bi lụy, vì cứ bế tắc như vậy thì làm sao vẽ được?

Thế còn phụ nữ? Có một giai đoạn, ông vẽ những người đàn bà Việt đẹp và buồn. Ở đó, luôn có sự mâu thuẫn giữa nội tâm phức tạp và cái đẹp tinh thần, hay sự gợi cảm bên cạnh nét đức hạnh… Còn bây giờ, có vẻ như tất cả mọi vẻ đẹp đã hòa quyện, thư thái, không còn gò bó hay kìm nén nữa.

- Những nhân vật nữ trong tranh của tôi luôn đọng lại hai chữ thân phận. Chính tâm trạng đó khiến tôi đeo đuổi đề tài này trong một thời gian dài. Tôi từng vẽ những người phụ nữ Việt còn ở làm ở Bảo tàng TP. Trong kho ảnh, tình cờ tôi nhìn thấy chân dung rất nhiều bà mẹ. Tôi đặc biệt rất thích những người đàn bà miền Trung. Khi quan sát họ, từ gương mặt họ toát lên một sức chịu đựng kinh khủng. Có thể là do thổ nhưỡng, khí hậu, rồi chiến tranh, thiên tai, những khó khăn trong cuộc sống mà cuộc đời của họ khắc khổ nhưng lại hoàn toàn không bi lụy. Vẽ suốt 20 năm thì tôi dừng lại. Tôi không muốn nhắc lại quá khứ nữa, mà phải viết tiếp câu chuyện của hiện tại…

Một tác phẩm của họa sĩ Hứa Thanh Bình.

Ở độ tuổi này, ông ngộ ra điều gì? Nhất là gần đây tranh ông có sự giải thoát, bay bổng, mà nhiều họa sĩ cũng phải xuýt xoa?

- Có thể, do tôi trải qua mất mát quá lớn, bị sốc. Một thời gian tôi không gượng lại được, sau đó lại cầm cọ, và thấy vẽ như là sự giải thoát. Đó là khi tôi tâm sự với màu sắc. Khi buông cọ xuống, tôi cảm thấy trong lòng thư thái, không còn nặng nề, chấp ngã gì nữa.

Trở lại đề tài được tranh luận xôn xao gần đây, theo ông, Việt Nam đã có thị trường tranh nội địa chưa?

- Thực ra, theo chủ quan cá nhân của tôi, thị trường đã có, nhất là thời gian gần đây, khi người ta làm hội chợ, sàn đấu giá khá chuyên nghiệp. Nhưng nhìn chung, gần đây, những người làm sự kiện mới chú ý tính chuyên nghiệp trong thị trường. Trước đây, mình cũng có gallery, phòng tranh, triển lãm… nhưng có cảm giác chưa chuyên nghiệp. Từ “chuyên nghiệp” hiểu sát nghĩa, vừa là bản thân nghệ sĩ - người làm ra tác phẩm - cũng phải tự nâng mình lên và phía thị trường cũng có những người thưởng thức và đầu tư mua tranh có trình độ. Nếu không thì khó tiếp cận tác phẩm.

Giới sưu tập thì sành sỏi, nhưng dường như mặt bằng dân trí của người thưởng ngoạn tranh lại không đồng đều…

- Điều này tôi không dám nói. Gần đây, bảo tàng đã làm được một số điều như miễn giảm vé cho sinh viên, người lớn tuổi, tổ chức lớp vẽ cho thiếu nhi… Hy vọng 10 - 15 năm sau có một thế hệ công chúng mới được đào tạo bài bản, có trình độ thưởng thức nghệ thuật. Một năm có 3 trường đại học, 1 trường cao đẳng, thậm chí 2 trường trung cấp chúng tôi cho triển lãm không thu phí, với điều kiện đưa cả tác phẩm của giảng viên đến triển lãm và khi có sự kiện thì sinh viên phải đến dự, để tập cho sinh viên làm quen với bảo tàng.

Thị trường tranh muốn chuyên nghiệp thì phải có khâu thẩm định tốt. Hiện nay vẫn có lùm xùm tranh giả mang đi triển lãm. Ông nghĩ sao về điều này?

- Theo tôi, chúng ta nên nói câu chuyện mới, chuyện cũ hãy bỏ qua vì muốn thẩm định cũng cần thời gian và sự chính xác. Câu chuyện mới bây giờ là như thế nào là thị trường, công chúng đâu? Cách nào cho công chúng tiếp cận nghệ thuật? Về thẩm định, hãy hỏi chính người sáng tác. Họa sĩ phải cấp giấy chứng nhận kèm chữ ký khi bán tranh. Và khi nói đến giá tranh, họa sĩ đưa ra giá hay nhà tổ chức, hay nhà thẩm định? Các nước có giám tuyển, và sở dĩ họ đưa ra giá tốt vì họ nghiên cứu thị trường rất kỹ. Quan trọng nữa là nhà đấu giá chuyên nghiệp ngoài việc biết thẩm định tác phẩm, so sánh thị trường, đánh giá đẳng cấp của họa sĩ, còn ý thức làm sao để giữ thương hiệu của họ. Còn ở ta thì dường như chưa tạo được thương hiệu.

Quan niệm thay đổi Bảo tàng Mỹ thuật của ông bắt đầu từ đâu?

- Sự thay đổi của bảo tàng là công sức của cả tập thể. Muốn hiện đại hóa bảo tàng, nên bắt đầu từ khâu con người trước. Đất nước mình không giàu so với người ta, nhưng khi đi ra nước ngoài, không nói đâu xa, sang Singapore, mới thấy mình còn thua xa về nhận thức. Mình phải biết nhục thì mới mong thay đổi diện mạo bảo tàng được. Hiện nay, một năm bảo tàng Mỹ thuật đã có 20 - 30 cuộc triển lãm. Bảo tàng cần nhà kho, xưởng phục chế, cần hiện đại hóa công tác trưng bày.

Vẽ giúp ông thoát khỏi cuộc đời thường nhật, đi vào thế giới tưởng tượng; ngoài ra còn là gì với ông?

- Làm gì cũng phải có đam mê. Và làm gì cũng phải có tự trọng, phải làm đến nơi đến chốn. Ký tên dưới bức tranh thì phải chịu trách nhiệm. Ngay cả câu chuyện làm bảo tàng cũng phải làm cho tử tế, vì làm cho thiên hạ chứ có phải cho mình đâu? Vậy thôi.

Xin cảm ơn ông!

NHẬT LỆ THỰC HIỆN
TIN LIÊN QUAN

Khuyến cáo khẩn cấp công dân Việt Nam rời khỏi Lebanon

Thanh Hà |

Công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Lebanon được khuyến cáo rời khỏi quốc gia này khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.

Kiểm toán cung cấp hàng trăm tài liệu cho cơ quan điều tra

CAO NGUYÊN |

Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, năm 2023, đã cung cấp hơn 800 tài liệu cho Ủy ban kiểm tra và cơ quan điều tra.

Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc tại Sơn La

Minh Nguyễn |

Bộ Chính trị đã triển khai kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đối với Tỉnh ủy Sơn La.

Người dân Thanh Hóa đổ xô ra cầu Hàm Rồng xem nước lũ

QUÁCH DU |

Thanh Hóa - Nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Mã dâng cao, nhiều người dân ở TP Thanh Hóa đã tập trung ra cầu Hàm Rồng xem nước lũ.

Cập nhật các tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai

Nhóm PV |

Sau ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ do bão số 3, số 4, Thanh Hóa là tỉnh thành tiếp tục phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.

Lý do bà chủ Xuyên Việt Oil chiếm dụng được 219 tỉ đồng

Việt Dũng |

Mai Thị Hồng Hạnh - Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil bị cáo buộc không nộp 219 tỉ đồng tiền Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cho Nhà nước.

Nhiều mặt hàng tỉ USD của Việt Nam băng băng sang đất Mỹ

Cường Ngô |

Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đạt 87,7 tỉ USD, tăng trưởng mạnh cả ở chiều xuất khẩu, nhập khẩu.

Hồ thủy điện lớn nhất miền Nam tăng xả lũ gấp đôi, mở 3 cửa

MINH CHÂU |

Đồng Nai - Hồ Thủy điện Trị An tiếp tục xả lũ qua đập tràn với lưu lượng tăng từ 320m3/giây đến 480m3/giây vào ngày mai 24.9.